Ad Section

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

khi cha già di


Ai trong số chúng ta cũng đều có một người cha ! Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái… thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề.

Con cái ngoan hay hư, chủ yếu là tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói: Con hơn cha là nhà có phúc !

Khi tôi viết ra câu truyện ngắn này trong đầu tôi luôn có một hoài niệm về cha mình ! Cha tôi nghèo lắm ! Hơn ba chục năm lăn lộn mưu sinh bằng đủ thứ nghề đốt lò gạch , bán kem , cắt tóc , phụ hồ cùng mẹ gồng gánh nuôi chị em tôi thành người .
khi cha già đi

Tôi còn nhớ cái ngày cha tôi cắn răng bán đi chiếc xe đạp với giá hai trăm ngàn đồng để trang trải cho gia đình , thực sự nó quá ám ảnh trong tâm thức tôi suốt hơn hai chục năm qua . Hình ảnh tấm thân gầy trong chiếc áo cánh ướt đẫm mồ hôi chở tôi trên chiếc xe đạp đến trường thi . Thực sự tôi không thể quên

Những lúc như thế, cái nắng oi bức ngày hè, sự tắc đường khủng khiếp giờ tan tầm, lo toan của cuộc sống cơm áo gạo tiền đều tan biến khi nghe tôi nói làm bài tốt hay thấy nụ cười rạng rỡ của tôi bước ra từ phía phòng thi

Bạn có thể cảm động bởi hàng trăm câu chuyện về người cha ở khắp nơi, nhưng câu chuyện quan trọng nhất cuộc đời tôi chính là về người cha vĩ đại trong lòng mình.

Trong cuộc sống hiện đại này chỉ có cha, mẹ mới dành cho chúng ta sự yêu thương vô điều kiện, lo lắng và bao dung nhiều đến mức những đứa con vô tâm mặc định rằng đó là điều hiển nhiên.

Cậu truyện tôi viết ra hôm nay có lẽ bạn đã được nghe , được thấy ở đâu đó trong xã hội bộn bề này !

- Dạ cô ơi ! Cô cứ để trên bàn rồi lát tôi dọn , cô đừng ném lung tung nữa ! Chỗ đó tôi dọn rồi ạ !

Tiếng ông Hải lắp bắp thốt ra khi đang cặm cụi dọn dẹp đống vỏ hạt dưa mà Trang đang vất bừa bãi trên nền nhà . Trang ngồi vắt vẻo chân trên bàn và bấm điện thoại , nghe ông Hải nói thì tức tối đưa mắt liếc xéo ông và đáp :

- Lão già này ! Tôi thuê lão về đây để dọn dẹp nhà cửa , tôi vất ở đâu đó là quyền của tôi , dọn sạch là việc của lão . Thói đâu osin lại đi cãi chủ thế hả ?

Ông Hải ngồi xổm dưới nền nhà nhìn Trang xua tay và lắp bắp :

- Không ... không phải vậy đâu cô ơi ! Mấy hôm nay cái chân tôi nó đau quá .... nên ...

Trang lườm dài một cái rồi bảo :

- Chân lão đau là việc của lão . Kể với tôi làm gì ? Hay lại để tôi thương xót mà cho thêm tiền á ? Mấy cái loại giúp việc là hay có bài ca than nghèo, kể khổ để chủ thương cho thêm , tôi là tôi không có dễ đâu nha . Sao lúc chưa lấy tiền thì không than đau chân đi ?

Ông Hải cúi đầu đáp :

- Vâng ! Cô để tôi dọn ạ !

Trang đứng dậy ném đống vỏ hạt dưa xuống chỗ ông ngồi rồi gằn giọng :

- Lão dọn cho sạch đi ! Lát nữa nhà tôi có khách đó . Mà là khách vip ! À quên , nông dân bần hàn như lão thì biết khách vip là gì nhỉ ? Dọn sạch đi rồi tỉa cái chậu bonsai trước cửa kia kìa ! Thấy chưa ? Không xong trước mười hai giờ thì tôi bảo .

- Dạ ... dạ ...

Ông Hải năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi . Sáu mươi năm sương gió cuộc đời thì hơn hai mươi lăm năm thân cò lặn lội , gà trống nuôi con . Ông Hải lấy bà Phương và có hai người con. Ở với nhau được năm năm, thì bà Phương sau một cơn bạo bệnh liệt giường, liệt chiếu đã bỏ ông ra đi trong một đêm tối trời, ầm ầm mưa gió lúc đứa con lớn là thằng Hưng mới tròn năm tuổi và đứa con trai thứ là Nam lúc đó mới tròn hai tuổi .

Trước lúc ra đi , bà Phương đã nắm chặt tay ông khóc nhọc mà trăn trối :

- Anh gắng nuôi nấng hai đứa con nên người ... chúng ... chúng còn nhỏ dại quá ...đừng ... đừng bỏ chúng ....

Sau khi bà Phương mất , ông Hải vừa làm cha , vừa làm tròn cả vai mẹ . Gian nan , cơ cực bữa ăn miếng đói, miếng no nhưng ông vẫn dạy giỗ hai đứa con và lo cho chúng cuộc sống bằng bạn bằng bè dù chính ông phải nhịn ăn , nhịn mặc mà lo cho hai đứa con đang tuổi ăn , tuổi lớn ! Vì hạnh phúc của hai đứa con và lời trăn trối đẫm nước mắt của vợ , ông Hải quyết không đi bước nữa cho dù có vài người đánh tiếng .

Những bữa cơm mặn chát mồ hôi , những đồng tiền nhàu nhĩ đưa vội cho hai đứa con trai nộp học hay những buổi thức khuya dậy sớm chở thuê, vác mướn cũng không làm ông thấy mệt mỏi . Bất kể ngày hay đêm , người ta đều thấy cái bóng lưng gầy gộc cặm cụi đẩy từng xe hàng , vác từng bao xi măng nhưng trên môi luôn nở nụ cười dù mồ hôi rơi xuống cay xè hai khoé mắt .

Ông Hải thương thân một , thương đàn con nheo nhóc thì mười nên có những đêm ông chỉ biết đốt lên một nén nhang đỏ rực trước tấm di ảnh trắng đen của vợ mình trên bàn thờ mà tỉ tê mà trải lòng . Ông có thói quen sau mỗi ngày dài lo toan mưu sinh là ôm cây đàn Cò , rồi tỉ tê bài Dạ Cổ Hoài Lang như khi vợ còn sống . Nên bài hát đó cũng theo suốt cả tuổi thơ của hai anh em Hưng và Nam .

Sau khi học hết lớp mười hai, con trai lớn của ông là thằng Hưng thi đậu một trường đại học khá có tiếng ở Hà Nội. Ngày Hưng lên thủ đô nhập học, ông Hải bán hết gà vịt, lợn , chó để gom tiền học cho con . Lại lo con trai khổ sở nơi đô thành phồn hoa nên ông dắt theo con trai thứ là thằng Nam lên luôn Hà Nội ở trọ mà kiếm việc làm .

Hưng ở luôn trong kí túc xá của trường, còn ông Hải và Nam thì thuê trọ trong một căn phòng chật hẹp ở Vũ Trọng Phụng , tuy cách xa trường Hưng, nhưng giá phòng tương đối mềm . Ngoài căn nhà ở quê thì tài sản còn lại duy nhất của ông Hải lúc khăn gói lên Hà Nội là chiếc wave tàu cũ kĩ làm kế sinh nhai .

Bảy năm sau Hưng đã ra trường và làm việc cho một công ty quốc tế khá lớn có trụ sở ở quận Hai Bà Trưng . Nam lúc đó cũng đã hai mươi hai tuổi và đang theo học nghề cho một tiệm sửa xe và vẫn ở cùng cha mình trong căn phòng trọ cũ nát đó .

Vì công việc của Hưng phải giao thiệp nhiều, nên dù sống và làm việc cùng thành phố nhưng chẳng mấy khi Hưng ghé qua thăm cha và em . Một năm hoạ hoằn lắm là hai ba lần . Có dạo Hưng đi công tác nước ngoài đúng đợt tết cổ truyền nên mâm cỗ ngày tết ở quê của gia đình cũng có phần ảm đạm vì vắng người lắm .

Trở về hiện tại

Sau khi dọn dẹp xong đống bừa bộ và cắt tỉa hết mấy chậu bonsai . Ông Hải lê cái chân đang cắn nhức vì tuổi già đến phòng khách . Tay khư khư cầm cái làn nhựa có mấy thứ đồ lặt vặt phục vụ cho công việc rồi nhìn Trang khẽ bảo :

- Dạ thưa cô ! Công việc cô giao tôi đã làm xong xuôi rồi . Cô cho tôi xin tiền công ạ .

Trang đang ngồi đắp mặt nạ , nghe tiếng ông Hải thì không thèm quay đầu nhìn mà giở giọng khinh bỉ :

- Bao nhiêu ?

Ông Hải xuýt xoa vì cái chân đau một hồi rồi nhanh nhảu đáp :

- Dạ ! Cô cho xin một trăm năm mươi ngàn cô ạ !

Trang gắt lên :

- Lão bảo cái gì ? Bốn tiếng dọn dẹp mà những một trăm năm mươi ngàn á ?

Ông Hải lắp bắp :

- Vâng ... chỗ ... chỗ .. chỗ môi giới cũng có nói rõ là một trăm năm mươi ngàn cho bốn tiếng dọn dẹp cô ạ !

Trang nhìn ông Hải rồi cười lớn một tràng rồi đáp bằng giọng khinh bỉ :

- Chủ của lão rõ ràng lúc gọi điện giới thiệu có nói là một trăm năm mươi ngàn cho bốn tiếng dọn dẹp . Nhưng đấy là cho những loại osin trẻ tuổi , nhanh nhẹn và biết nghe lời lão hiểu không ? Còn lão thì vừa già vừa chậm chạp . Lão định ăn không của tôi đấy à ?

Ông Hải run run giọng :

- Nhưng... nhưng mà ... tôi đã dọn dẹp xong xuôi rồi mà !

Thấy ông Hải vẫn cố cãi , Trang điên tiết đứng phắt dậy rồi kéo ông xềnh xệch ra chỗ cửa sổ có tấm rèm rồi chỉ tay quát :

- Đây ! Dọn dẹp của lão đây à ? Bụi vẫn còn bám ở kẽ cửa đây ! Còn cãi nữa hay thôi ?

Nói rồi Trang hầm hầm bỏ về phòng khách , vắt hai chân lên bàn rồi rút trong ví ra tờ một trăm ngàn đập mạnh xuống bàn và bảo :

- Đấy ! Tiền đấy ! Cầm lấy rồi lượn nhanh cho tôi nhờ !

Rồi chưa để ông Hải cầm tiền , Trang lại giở giọng diễu cợt :

- Mà tôi không hiểu sao con cái lão nó lại để cho lão đi làm cái nghề này nhỉ ? Chắc ở nhà lão cũng sống làm sao nên con cái nó mới bắt đi làm cái nghề mạt hạng này nhỉ ?

Ông Hải run tay cầm tờ một trăm ngàn rồi lầm lũi ôm cái làn nhựa đi ra cổng . Bên tai là tiếng Trang văng vẳng gằn hắt :

- Đúng là thứ nhà quê nghèo hèn , cầm tiền của người ta ban cho cũng không biết mở cái mồm ra mà cảm ơn lấy một tiếng . Hừ !


- Cha ! Sao cha cứ ăn bánh mì khô suốt vậy ? Để con mua hộp cơm về có phải đỡ hơn không ?

Tiếng Nam vọng vào từ ngoài sân xóm trọ , dựng chiếc xe honda cũ kĩ ngay cạnh cửa rồi bước nhanh vào nhà người dính đầy dầu nhớt . Ông Hải đang khó nhọc nhai miếng bánh mì khô được bán đầu ngõ với giá hai mươi lăm ngàn một kí thì thấy Nam vào nhà . Ngửa cổ uống vội miếng nước cho đỡ nghẹn , ông Hải nhìn con trai rồi đáp :

- Con ăn ở chỗ làm , còn có một mình ta ăn qua loa cho xong bữa chứ có đói khát gì ! Thế chiều nay con có làm hay không ?

Nam đón li nước từ tay ông Hải rồi ngửa cổ tu ừng ực , rồi khà lên một tiếng rồi đáp lại :

- Không cha ạ ! Chủ tiệm có việc nên chiều nay cho thợ thuyền nghỉ ngơi một bữa . Mà cha này ! Cha cũng có tuổi rồi , không nên lam việc thêm nữa . Dù sao vẫn còn có con , dăm bữa nửa tháng nữa là con được làm thợ chính rồi . Ông chủ trả tiền lương cho con hàng tháng , chẳng lẽ con không lo được cho cha hay sao ? Thấy cha cứ nhai ra làm như vậy con không đành lòng .

Ông Hải cười xoà bảo :

- Cha già rồi , giờ ngồi một chỗ cũng buồn chân buồn tay lắm. Đi làm cho nó khuây khoả con ạ . Với lại ...

Nam nhìn ông Hải rồi gắt nhẹ :

- Cha lại định bảo sắp tới đám cưới của anh Hưng chứ gì ? Anh ấy đi làm rồi , kiếm được tiền rồi thì anh ấy phải tự lo đi chứ ? Cha già rồi lo làm gì ? Cực thân ra ! Anh Hưng đi làm ở công ty nước ngoài lương tháng cả mấy chục triệu , anh có ngóc ngàng gì tới cha không ?

Ông Hải nhìn con trai rồi nén tiếng thở dài , đúng là sau khi ra làm một năm nay , Hưng ít khi về nhà . Ông Hải luôn viện cớ là con trai mình bận trăm công ngàn việc nên đôi lúc định nhấc điện thoại gọi cho con nhưng ngập ngừng mấy lần lại thôi . Lần gần nhất Hưng gọi về là cách đây hai tháng , Hưng có báo qua với ông Hải là chuẩn bị kết hôn rồi nhanh chóng ngắt máy . Ông Hải nén tiếng thở dài rồi nhìn con trai bảo :

- Mẹ tụi bay chẳng may mất sớm , bao nhiêu năm qua cha biết tụi bay thiếu thốn tình thương nên vẫn gắng sức làm tròn vai cha , vai mẹ . Con đừng nói anh thế tội nghiệp , cha biết để có được ngày hôm nay nó cũng vất vả lắm . Nó bận trăm công ngàn việc chứ đâu phải tết nhất không muốn về đoàn viên , đâu phải nó không muốn thắp cho mẹ nó một nén nhang đâu .

Ngừng một giây ông Hải tiếp :

- Sau này nếu là con thì ta cũng sẽ lo cho con vẹn toàn mà !

Nam thở dài một tiếng rồi bảo :

- Nhưng mà nhìn cha cứ khổ sở vất vả như vậy con chịu không nổi ! Hay là mai để con qua công ty anh Hưng con nói chuyện với anh ấy !

Ông Hải xua tay đáp :

- Thôi . Để mai ta đi vậy , đằng nào cũng hỏi nó xem bao giờ định tổ chức , lần trước nó gọi chưa báo thì cúp máy rồi . Con ghi cho ta địa chỉ công ty nó rồi sớm mai ta đi luôn kẻo nhỡ việc !

Sáng sớm hôm sau , ông Hải ăn uống qua loa rồi lần theo địa chỉ công ty nơi Hưng làm mà có dịp về nhà Hưng đã ghi lại cho ông . Dù cùng dưới vòm trời Hà Nội nhưng chưa bao giờ ông Hải đặt chân đến vì công ty của Hưng đặt trong nội thành Hà Nội .

Đang loay hoay không biết hỏi ai thì một chiếc xe ga đắt tiền chạy từ căn hầm toà nhà đồ sộ đó trờ tới. Ông Hải mau mau chặn trước xe rồi hỏi :

- Cô ơi cô ! Cô làm ơi cho tôi hỏi ! Tôi muốn tìm con trai tôi ... nó làm ở toà nhà này ... tên nó là Cả Tít .

Người con gái mặc bộ đầm sang trọng khẽ trễ cặp kính đen to bản xuống sống mũi, nhìn ông Hải khắp lượt rồi cười ha hả đáp :

- Ha ha ... ông nhìn ông ăn mặc xem . Bất quá thì như lão ăn mày bần hàn , rách rưới . Ông bảo con trai ông làm trong toà nhà này ? Có biết đây là đâu không mà con ông vào làm được ?

Ông Hải run run móc ra một tờ giấy nhàu nát có ghi rõ địa chỉ và khẩn khoản :

- Đây ! Đây là địa chỉ mà con trai tôi đã ghi lại cô ạ . Thằng Tít ... Cả Tít ấy !

Người con gái lại được một phen cười ôm bụng tới chảy cả nước mắt . Lúc sau ả mới hỏi lại đầy khinh bỉ :

- Ông nói cái gì cơ ? Tít ? Cả ... cả Tít ? Ôi trời ơi , ở cái tập đoàn này không có ai tên là Cả Tít đâu ! Hay ông ra mấy tiệm cơm kia kìa ... khéo đâu con trai ông rửa chén thuê ở đó cũng không biết chừng... thôi tránh ra coi! sáng sớm đã gặp thứ gì đâu... mệt mỏi

Người con gái sang trọng nói rồi đẩy mạnh ông Hải ra khỏi đầu xe , rồi lên ga phóng đi mất dạng . Ông Hải đang loay hoay không biết hỏi ai thì bất ngờ ở căn hầm tòa nhà chạy ra một chiếc ô tô mới cứng. Ông Hải vẫy tay loạn xạ, vì nhận ra người ngồi trong xe ô tô chính là Hưng- con trai ông .

- Cha ! Cha làm gì ở đây giờ này sao lên mà không nói cho con một tiếng rồi ba lên đây lâu chưa ? Rồi thằng Nam đâu sao nó không đưa cha lên mà để cha lặn lội lên đây thế này ?

Tiếng Hưng hỏi liên hồi sau khi đã nhanh tay kéo ông Hải ra một góc cách xa tòa nhà. Ông Hưng liền đáp :

- Nam nó có công chuyện nên cha tự bắt xe qua đây. Lần trước con gọi về có nói là sẽ tổ chức hôn lễ, nhưng không nói cho cha biết là ngày nào để cha kịp chuẩn bị. Nên hôm nay cha tranh thủ lên đây để hỏi rõ ngày tháng mà con định tổ chức.

Hưng nhìn ông Hải khắp lượt rồi gắt lên

-Trời ơi là trời ! cha có biết đây là đây đâu không? đây là tập đoàn quốc tế lớn nhất nhì Hà Nội ! là nơi con làm việc! cha ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu thế này thì con còn mặt mũi nào mà nhìn đám nhân viên rồi sĩ diện của con vất vào đâu ?

Ông Hải cui gầm mặt và đáp:

- Cha xin lỗi cha phải đi nhanh cho kịp vì chiều nay cha bận chút công chuyện , cha chỉ hỏi xem ngày tháng con định tổ chức rồi đi ngay! không làm xấu mặt con đâu !

Hưng hối thúc :

- Thôi cha ơi ! Cưới xin gì đó bàn sau đi! Đang giờ hành chính , nhân viên nó ra vào nhiều lắm . Nó thấy thì chết con , mà con bảo cha bao nhiêu lần rồi mà ! Đừng có gọi con là Cả Tít nữa . Đó là tên gọi ở nhà ! Đây là công ty . Người ta chỉ biết tới Hưng - trưởng phòng Nguyễn Nho Hưng thôi ! Cha cứ đứng rồi gào toáng lên thì con còn mặt mũi nào mà làm việc ở chốn này ?

Ông Hải lắp bắp :

- Nhưng .. nhưng mà !!!!

Hưng cáu tiết gạt phắt đi rồi đẩy ông Hải ra đường :

- Không nhưng nhị gì hết ! Cha đi về ngay cho tôi ! Về ... về luôn cho tôi nhờ . Trời ơi đang yên đang lành mò lên đây làm gì không biết ? Sáng nay tôi có hẹn đi ăn với gia đình nhà vợ sắp cưới , cha đừng làm tôi tốn thời gian nữa !

Ông Hải lắp bắp :

- Về ... cha về ... nhưng mà cho cha xin ..

Tiếng Hưng gầm lên làm ông Hải bỏ dở câu nói :

- Không xin xỏ gì hết ! Cha về ngay cho tôi ! Khi nào xong xuôi tôi báo cha sau ...

Sau đó Hưng hầm hầm nổ máy chiếc xe hơi rồi chạy mất dạng . Còn lại ông Hải đứng đó một lúc rồi lủi thủi cuốc bộ về .

Chín giờ sáng hôm đó tại nhà hàng Paradise nổi tiếng

- Chào Cậu ! Tôi là Nhân , cha của Phương !

Tiếng ông Nhân vang lên trong cuộc gặp mặt có ba người gồm ông , con gái ông là Phương và gã . Ông Nhân là chủ doanh nghiệp sản xuất hải sản lớn nhất quận Hoàn Kiếm và chỉ có Phương là con gái rượu duy nhất . Ông biết con gái ông và Hưng quen nhau từ thời sinh viên nhưng cũng không cấm cản mà để cho hai đứa qua lại tìm hiểu . Hưng bắt tay ông Nhân rồi lịch sự đáp :

- Dạ ! Cháu rất vui hôm nay được gặp bác ! Cháu là Nguyễn Nho Hưng , là bạn trai của Thu Phương !

Ông Hưng châm điếu ba số rồi thở ra một làn khói trước mặt và bảo :

- Tôi cũng nghe con gái rượu của tôi kể nhiều về cậu . Mãi tới hôm nay mới sắp xếp được chút thời gian gặp mặt . Chẳng hay cậu Hưng đây quê ở ... ?

Hưng cúi thấp đầu đáp :

- Dạ cháu ở Thái Bình thưa bác !

Ông Nhân nhìn xéo qua cặp kính rồi dò hỏi :

- Cậu quê Thái Bình à ? Thế là cậu chưa nhập khẩu Hà Nội sao ? Rồi chỗ ăn chốn ở ra sao ?

Phương cấu tay làm Hưng hiểu ra và đáp :

- Dạ thưa bác ! Cháu đang tính xây nhà và nhập khẩu luôn Hà Nội ạ !

Phương đỡ lời :

- Cha ! Cha có điều không biết thôi ! Anh Hưng còn trẻ vậy mà đã là trưởng phòng marketing cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài thuộc dạng lớn nhất nhì Hà Nội này đó !

Ông Nhân trễ kính rồi đáp :

- Khá tốt ! Còn trẻ mà đã có thể làm được điều đó cũng gọi là có chút năng lực !

Hưng gật đầu lia lịa rồi đáp lại :

- Dạ vâng ! Cha cháu vẫn dạy dỗ là phải biết mình là ai, và cố gắng làm việc cho tốt hơn nên cháu mới có ngày hôm nay !

Cuộc trò chuyện đang diễn ra sôi nổi thì ngay bên ngoài cửa kính là bóng ông Hải đang thất thểu bước dưới cái nắng đầu ngày . Vì bàn tiệc bày ở ngay tầng một , lại ở chiếc bàn sát ngay cửa kính nên bóng ông Hải đập luôn vào mắt Hưng .

Hưng tái mặt và rất nhanh cúi đầu xuống bàn . Giây phút chóng vánh đó không qua nổi mắt ông Nhân . Ông Nhân nhìn Hưng chằm chằm rồi hỏi :

- Cậu quen người đàn ông đó à ?

Hưng ngơ ngác hỏi lại :

- Người ... người đàn ông nào thưa bác ?

Ông Nhân nhìn Hưng đầy nghi hoặc rồi hỏi :

- Người đàn ông nghèo với bộ quần áo tả tơi vừa đi qua đó !

Hưng xua tay :

- Không ! Không bác ạ ! Cháu không quen ông ta. Chắc là người ăn xin cơ nhỡ thôi ạ !

Ông Nhân mỉm cười rồi đáp :

- À ... ra là vậy !

Hưng chống chế :

- Nếu cháu mà gặp những người như vậy chắc chắn cháu sẽ giúp đỡ . Già cả như thế mà lang thang thế này thật sự tội nghiệp quá ! Mà sao con cái họ lại bỏ cha mẹ như vậy bác nhỉ ? Là cháu thì cháu không đành lòng đâu !

Phương tiếp lời :

- Đó ! Cha thấy chưa ? Không những có tài mà người yêu con còn rất đức độ ! Cha thấy đúng không cha ?

Ông Nhân gật đầu rồi nói điều gì trong cổ họng , Hưng xua tay với Phương và đáp :

- Anh ... anh còn thiếu sót nhiều lắm . Chỉ mong cha em thương mà chỉ dạy nhiều điều thôi !

Ông Nhân cười lớn rồi bảo :

- Ha ha ... Hay ! Ta thấy thích cháu rồi đấy ! Nào , nâng ly chúc mừng cuộc gặp mặt hôm nay !

Buổi sáng hôm ấy , ông Hải bắt xe bus lên công ty của Hưng . Trên đường đi lại bị thằng móc túi rạch trộm mất cái bóp có mấy chục ngàn nên lúc Hưng đuổi ông về , ông chỉ định ngửa tay xin con ít tiền để đi xe bus về . Nhưng gã lo sợ hình ảnh của mình bị ảnh hưởng nên nhẫn tâm đẩy ông ra mà lên xe phóng đi ra mắt nhà vợ . Báo hại ông Hải lê cái chân đang bị cắn nhức vì chứng thấp khớp cuốc bộ cả mười mấy cây số về phòng trọ, dưới cái nắng oi ả của tiết trời tháng sáu .

Vừa về tới phòng trọ thì tiếng chuông điện thoại của Nam đổ chuông liên hồi .

- Alo ! Em Nam đây !

Đầu dây bên kia là tiếng Hưng vọng lại :

- Cha có đó không ? Đưa máy cho tôi gặp !

Ông Hải hấp tấp đưa chiếc di động trắng đen đã mất mấy phím lên tai nghe:

- Alo cha à ? Tôi Hưng đây ! Tôi gọi điện báo cho cha là ngày HAI MƯƠI TƯ THÁNG SÁU tôi sẽ tổ chức lễ ăn hỏi ở nhà hàng Paradise bên quận Hoàn Kiếm !

Ông Hải sướng đến lạc cả giọng , lắp bắp hỏi :

- NGÀY HAI MƯƠI TƯ THÁNG SÁU à con ?

Hưng đáp :

- Đúng rồi ? Mà tôi có chuyện muốn báo với cha !

Ông Hải tò mò hỏi :

- Có chuyện gì vậy ? Con cứ nói đi !

Hưng ngập ngừng giây lát rồi bảo :

- Lễ ăn hỏi đó tôi chỉ mời bằng hữu , đồng nghiệp và các quan chức lớn trong thành phố . Nó là dịp để tôi tranh thủ mở rộng các mối quan hệ .

Ông Hưng sướng rên :

- Thế.. . Thế tốt quá rồi !

Hưng đáp :

- Tôi thấy cha cũng không được khoẻ . Hay là cha ở nhà tĩnh dưỡng đi . Khi nào kết hôn chính thức tôi sẽ báo sau . Tôi tính vậy được không ?

Ông Hưng thất thần buông tay rơi điện thoại xuống tấm nệm cũ kĩ trên giường , Nam từ lúc nãy đã áp tai vào nghe thì nổi giận ầm ầm vớ lấy điện thoại mà gầm lên :

- Anh ... anh có còn là người không ? Anh đối xử với ba ruột mình còn không bằng người ngoài sao ?

Đầu dây bên kia im lặng , ông Hải cũng cuống cuồng đòi giật lấy điện thoại thì Nam gào lên :

- Cha để yên cho con nói ! Anh cảm thấy bây giờ anh giàu sang phú quý rồi , cha lại là nỗi xấu hổ của anh à ? Thử hỏi gần ba chục năm qua ai nuôi ai khôn lớn ? Ai ? Là ai ?

Tiếng ngắt máy .....

Nam ném mạnh cái điện thoại xuống giường rồi gào lên :

- Cha ! Cha thấy con nói đúng không ? Nó sợ bạn bè nó biết nó có người cha quê mùa đấy ! Cha thấy chưa ? Cha còn bênh vực nó tới bao giờ ?

Ông Hải ngồi im lìm trên giường bần thần hồi lâu rồi bảo :

- Anh con nó cũng chỉ vì nghĩ cho cái nhà này thôi con ạ . Nó hiển vinh giàu sang thì sau này ta cũng được nhờ mà !

Nam cười gằn nhìn cha mình rồi bảo :

- Được nhờ ? Ha ha ... được nhờ mà để cha ruột mình ăn mì thay cơm ? Được nhờ mà mâm cao cỗ đầy , tiền bạc ức vạn mà để thằng em và cha già ở cái nơi lụp xụp này miếng đói miếng no ? Cha còn chưa nhìn ra cái bản chân tham phú phụ bần của nó à ? Nếu nó đã là loại như thế thì cha từ mặt nó đi ! Con cũng không có loại súc sinh đó là anh mình !

Ông Hải nắm chặt hai tay nhìn Nam khẩn khoản :

- Thôi anh ơi ! Cha xin anh ! Hưng nó là con cha , cũng là khúc ruột trên khúc ruột dưới của con mà . Con đừng nói anh thế mà tội nghiệp .

Nam tức tối hầm hầm bỏ ra ngoài sân bỏ mặc ông Hải ngồi đó . Ông Hải suy nghĩ điều gì lâu lắm rồi cầm điện thoại lần tìm danh bạ rồi nói điều gì không ai hay .

- Nam ! Anh nam đâu rồi ? Vào cha bảo !

Nam vẫn làm bộ hằm hè lên tiếng :

- Cha gọi gì con ?

Ông Hải lếch thếch đứng dậy , đoạn lấy một chiếc chìa khoá cũ kĩ mà ông giắt ở cái túi bên cạp quần rồi tiến lại chỗ tủ quần áo . Ông đặt lên chiếc bàn cũ kĩ kê cạnh cửa sổ một cái hộp gỗ rồi run run tra chìa khoá vào ổ rồi lấy ra một bọc tiền được gói cẩn thận trong mấy lớp giấy báo .

Tiền lẻ đủ loại một ngàn , hai ngàn .. lại có mấy tờ tiền polyme trong đó . Ông Hải nhìn con trai rồi khẩn khoản :

- Nam ơi ... anh có thương cha thì anh đi theo cha ra phố . Đây là số tiền vất vả lắm cha mới làm ra được , thằng Hưng sắp làm đám hỏi rồi ! Phận làm cha ta cũng phải cho nó cái gì đó cho nó đỡ tủi thân !

Nam im lìm không nói

Ông Hải lại khẩn khoản :

- Hưng nó báo là ngày HAI MƯƠI TƯ THÁNG SÁU nó làm lễ ăn hỏi . Anh có thương cha thì anh chở cha ra ngoài phố . Cha mua cho nó mấy phân vàng cho nó bằng người ta ....

NGÀY HAI MƯƠI TƯ THÁNG SÁU

Ông Hải và Nam dò dẫm ở trung tâm tiệc cưới để hỏi thăm đám hỏi của Hưng diễn ra khi nào và ở phòng nào . Sau đó hai cha con ngồi tạm ở chiếc ghế khuất sau cửa vào rồi gục đầu chờ đợi . Ông Hải lâu lâu lại lần mò túi kiểm tra cái nhẫn ba phân vàng để cho con trai mình , và yên tâm lắm khi nó vẫn im lìm ở vị trí cũ . Hai cha con ngồi chờ rồi mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay . Đến khi tiếng ồn ào huyên náo vang lên hai người mới dụi mắt choàng tỉnh .

Thấy Hưng đang mặc bộ vest xanh cầm ly rượu đứng giữa một đám người ăn mặc sang trong , ông Hải mới khua khoắng tay loạn xạ mà gọi :

- Hưng ... Hưng con ơi !!!

Ông Hải gọi lớn rồi hối Nam đỡ mình dậy vì cái chân đang đau đớn từng chặp . Hưng lúc này há hốc mồm biến sắc rồi rất nhanh đi về phía hai người mà kéo hẳn vào trong góc khuất :

- Trời ơi ! Tôi đã bảo hai người đừng vác mặt lên đây rồi còn gì ?

Ông Hải xua tay rồi run run móc chiếc hộp nhựa màu đỏ, trong đó có cái nhẫn vàng ba phân đặt vào tay Hưng mà rằng :

- Cha ... cha chỉ muốn cho con mấy phân vàng để con bằng người ta thôi ....

Hưng gạt văng chiếc hộp rồi quát :

- Các người định bôi tro trát trấu vào mặt thằng Hưng này à ? Các người nhìn lại mình xem ! Ăn mặc có khác gì bọn ăn mày không ? Rồi tôi phải nói như thế nào với quan khách ? Rằng đây ... ông già ăn mặc rách rưới này là cha tôi à ? Rồi tôi giấu mặt vào đâu ? Các người có nghĩ cho tôi không hả ?

Từng tiếng đay nghiến của Hưng ghim chặt vào cõi lòng đang tan nát của ông Hải , cả đời ông mấy chục năm sương gió , lặn lội thân cò , gà trống nuôi con để con trai có ngày mở mặt với đời thì lúc này đây , chính đứa con ông giành bao nhiêu tình yêu , bao nhiêu bù đắp , bao nhiêu gian khổ hi sinh , bao nhiêu chịu đựng ông ôm cả vào lòng để cho nó thành người thì nó lại coi ông là sự ô nhục , xấu hổ , là cái gai trên con đường mưu cầu danh lợi .

Những tiếng quát tháo như một nhát dao đâm thẳng vào trái tim khô cằn . Thương cảm trào ra hai dòng nước mắt, đã mấy chục năm từ khi vợ mất ông chưa từng đớn đau đến nhường này . Trong mắt con ông , ông chỉ là một sự xấu hổ , bần hèn đến mạt hạng .

Ông Hải lết cái thân gầy rộc theo Nam ra ngoài , trên môi nở một nụ cười chua chát rồi trong đầu nhớ lại câu chuyện của một tháng trước

MƯỜI GIỜ SÁNG - NGÀY HAI MƯƠI TƯ THÁNG NĂM

Ông Hải đang lúi húi sắp xếp lại đống đồ đạc là mấy cái khăn vải nhàu nhĩ trong chiếc làn nhựa sau khi đi lau dọn một căn hộ ngoài phố về . Hôm nay không biết là do chủ nhà dễ tính , hay ông dọn dẹp sạch sẽ mà trước lúc về chủ nhà còn thưởng cho ông thêm năm mươi ngàn đồng .

Sắp xếp đám khăn trong cái làn tre gọn gàng , ông vui sướng trong lòng, định cầm tờ tiền mới được thưởng xếp vào cái hộp gỗ đã tróc nước sơn được để trong góc tủ . Ông nhẩm tính nếu cật lực làm việc thì khi con trai lớn là thằng Hưng kết hôn , ít ra ông cũng sắm được cho nó mấy phân vàng cho bằng anh bằng em .

Vừa quay người lết cái chân đau đi được mấy bước thì một giọng nói vang lên làm ông giật mình suýt đánh rơi cái làn đang xách trên tay

- Anh Hải !!!!!

Ông Hải nheo mắt nhìn thì không nhận ra người vừa gọi mình là ai . Trước mặt ông là một người đàn ông thân hình bệ vệ , mặc áo vest , chân đi giày tây ra điều sang trọng lắm . Người đàn ông tháo cặp kính đen to bản xuống rồi chạy nhanh lại ôm chầm lấy thân hình gầy guộc rồi nói không thành lời :

- Ân nhân !!! Ân nhân còn nhớ tôi không ? Tôi là Nhân ... Nguyễn Thành Nhân đây !

Ông Hải đẩy người đàn ông với bộ râu quai nón ra rồi chau mày nhìn , đoạn hỏi lại dò xét :

- Nhân ? Nhân nào nhỉ ? Tôi có quen ông sao ?

Ông Nhân quỳ sụp xuống mà nắm tay ông Hải nức nở , đọan cởi luôn bộ áo mới còn nguyên nếp để lộ ra một vết sẹo với hình xăm Quan Công rồi khóc lóc kể lể :

- Anh ơi ! Anh còn nhận ra vết sẹo này không ? Hai mươi năm về trước em bị đối thủ kinh doanh truy sát vì một hợp đồng thu mua mà doanh nghiệp em có được . Đêm hôm đó , chúng chém em một nhát ... đây ! Vết sẹo đây ! Chính anh đã ra tay cứu mạng em , rồi chịu cho em một nhát chém ngay cẳng tay trái . Anh đưa em về nhà chăm sóc , cưu mang . Anh còn nhớ không anh ? Hu hu ...

Ông Hải cay xè hai mắt giơ cẳng tay lên chỉ vào vết sẹo lồi thành một đường dài mà rằng :

- Nhớ ! Anh nhớ rồi ! Nhân , đúng là em tôi rồi !
....

Ngay chiều hôm đó ông Hải đổ bệnh to. Chứng thấp khớp hành hạ làm ông đau đớn muôn vạn phần thì căn bệnh tim càng làm tính mạng của ông như mành treo chuông . Cực chẳng đã Nam đành xin chủ cho nghỉ việc ba ngày đặng đưa ông Hải về quê chăm sóc

Ông Hải đã trầm ngâm và ít nói hơn hẳn . Nam bảo gì ông cũng ừ ừ cho qua chuyện . Bẵng đi mấy ngày , với sự chạy chữa hết lòng không quản ngày đêm của cậu con trai thứ , sức khoẻ của ông Hải đã ổn định mấy phần . Ông Hải ra vào với mấy luống rau và bà con chòm xóm ở quê . Tuy nghèo nhưng được cái nghĩa tình nồng đượm , sớm tối bảo bọc lẫn nhau . Nam còn mang luôn cả con Đốm , là con chó đen mà Ông Hải lượm được khi đi làm về đang thoi thóp bên vệ đường đầu năm nay .

- Cha ! Con phải lên Hà Nội làm việc , cha ở nhà cùng bà con chòm xóm . Nếu có gì nhớ điện cho con liền nha !

Nam cẩn thận cầm tay dặn dò ông Hải trước khi cất bước lên chiếc xe đò trở lại Hà Nội . Ông Hải thất thểu quay vào nhà rồi ngồi bệt ở cửa mắt nhìn ra khoảng không xa xăm , tay vuốt ve con chó . Con Đốm dường như hiểu được tâm tính của chủ mình nên hôm nay nó nằm phủ phục bốn chân , gối đầu lên chân ông rồi lâu lâu lại ngẩng lên ngước nhìn và rên " ư ử " trong cổ họng .

Đốm là giống chó ta , toàn thân đen tuyền một màu mượt như nhung nhưng chính trán nó lại có một nhúm lông màu trắng to cỡ mấy ngón tay . Đốm được ông Hải mang về cưu mang khi đang nằm thoi thóp, hấp hối ven đường với một chân bị xe cán gãy chảy đầm đìa máu . Từ khi được ông Hải cứu sống , con Đốm tỏ rõ là con chó thông minh lắm .

Mỗi khi thấy ông Hải đi làm về là nó chạy ra vẫy đuôi cuống quýt . Ông Hải làm gì quanh phòng trọ nó cũng đi theo , thậm chí ông còn sai nó đi mua năm ngàn thuốc lào của cụ Sáu đầu xóm trọ, nó cũng cắp tiền đi và lát sau tha gói thuốc lào dính đầy nhớt rãi đưa cho ông rồi phủ phục nằm chờ lệnh .

Có những ngày Hà Nội vào đông lạnh tím tái da thịt . Ông Hải đã cẩn thận lót cho nó cái ổ bằng đống quần áo cũ ông xin được khi đi lau dọn , nhưng nó nhất định không chịu mà cứ đòi rúc vào ngủ cùng ông cho bằng được . Nam sợ lông nó làm căn bệnh viêm mũi của cha mình càng nặng nên nhất định kéo nó ra , nhưng cứ một hai, nó nằng nặc chui vào lòng ông Hải rồi cổ họng phát ra tiếng khùng khục , hai mắt tít lại như trêu ngươi Nam làm Nam cáu tiết lắm .

Ông Hải thương nó , coi nó như con. Có miếng gì ngon cũng chia cho nó , nên nó quấn ông lắm . Người ta vẫn nói với nhau rằng " con không chê cha mẹ khó , chó không chê chủ nghèo " , với ông Nam thì vế sau quả thật chính xác .

- Đốm ơi ! Thế là anh Nam đi lên Hà Nội làm rồi đó !

Con chó khẽ rên rỉ trong cổ họng rồi thở phì một tiếng , dụi dụi đầu vào ống chân ông như an ủi thân già cô đơn .

- Cha !!!!

Tiếng xe hơi dừng bánh và tiếng Hưng gọi giật giọng làm ông Hải giật mình hướng ra cổng . Đôi mắt kém hấp háy nhận ra còn trai thì tủi thân trào hai dòng lệ .

- Cha ! Sao cha ngồi ngoài này ? Rồi Nam em con đâu ?

Ông Hải lật đật đứng dậy run giọng đáp :

- Hưng về đấy à con ? Vào ... vào nhà đi !

Hưng dìu ông Hải vào nhà rồi hai cha con trò chuyện gì lâu lắm . Bữa cơm chiều ấy diễn ra an yên lắm , đã lâu lắm rồi ông mới có dịp ngồi với con trai mình. Ông Hải lấy đàn ra rồi ca lại bài Dạ Cổ Hoài Lang mà lúc tấm bé Hưng hay được nghe . Hai cho con ngồi đây mà mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng . Sẽ chẳng có gì diễn ra nếu như Hưng không mở đầu câu chuyện :

- Cha ! Con cần số tiền lớn để mua một mảnh đất ở Hà Nội , cha cũng nghe cha vợ con nói rồi đấy ! Con còn thiếu tám trăm năm chục triệu ! Cha , cha xem có cách nào giúp con được không cha ? Con đã đi vay mượn khắp nơi rồi !

Ông Hải lắp bắp :

- Tám ... tám trăm năm mươi triệu à con ? Sao nhiều ... nhiều thế ? Cha ... lấy đâu ra bây giờ ?

Hưng cầm tay ông khẩn khoản :

- Cha ! Con đã hỏi rồi ! Mảnh đất và căn nhà của mình bán nhanh cũng được hơn 1 tỉ . Cha thương con với , còn mấy ngày nữa là đến hạn cha vợ yêu cầu rồi . Cha có thương con thì cha bán căn nhà này đi , rồi cha lên Hà Nội ở với con !

Ông Hải lấy ba nén nhang châm vào ngọn đèn dầu để trên bàn thờ , thắp ba que nhang cho bà Phương rồi lầm rầm khấn bái . Đọan quay qua Hưng bảo :

- Không được đâu con ơi ! Nhà này ... nhà này là nhà cả cha lẫn mẹ đều làm lụng mà dựng nên . Cha không tiếc con nhưng căn nhà cũng như hình bóng của mẹ con ! Cha ... cha không thể bán được !

Hưng khẩn khoản :

- Mẹ thì để trong lòng là được rồi . Con đã chuẩn bị giấy tờ nhà đất đây . Cha kí vào rồi con đưa cha lên Hà Nội ở ! Tiếc làm gì cái xó xỉnh nghèo nàn này ?

Ông Hải nhìn Hưng và quát :

- Với con nó là nơi bần hàn , rách nát nhưng với ta nó là cả cuộc đời . Là nơi ta và mẹ con cùng nhau nuôi con khôn lớn ! Bán ư ? Không ... chắc chắn không bao giờ ?

Hưng đập bàn quát lớn :

- Bao nhiêu năm nay ông bà đối xử với tôi vẫn thế ! Ông bà luôn giành tình yêu cho thằng Nam , dù sao thì tôi cũng chỉ là thằng con nuôi trong cái nhà này ! Đúng không ? Ông trả lời tôi đi !

Ông Hải kinh hãi đánh rơi cốc nước chè trên tay , mồm há hốc lắp bắp :

- Làm ... làm ... làm sao con biết được chuyện đó ?

Hưng cười nhạt gằn giọng :

- Làm sao tôi biết ư ? Ha ha ... tôi tìm thấy cuốn nhật kí của bà già trong hộc tủ quần áo lúc tôi về lần trước . Ông luôn miệng nói lo lắng cho tôi ? Vậy thì đây ....

Hưng nói rồi đập tờ giấy bán nhà xuống bàn

- Ông kí đi ! Kí đi để chứng tỏ ông không coi tôi là người ngoài . Kí nhanh ! Kí nhanh để tôi còn đi lấy vợ . Nhà vợ tôi giàu lắm ha ha tôi cưới nó chỉ vì đống gia sản kếch xù đó thôi ! Cưới nó rồi tôi cũng tống cổ bố con nó ra khỏi nhà thôi ! Ông thấy không ? Tôi làm điều đó cũng vì ông đấy !

Ông Hải trợn tròn mắt đập tay xuống bàn quát lớn :

- Ta không ngờ mày là loại người cầm thú đến thế ! Mày có còn là đứa con hai mươi mấy năm qua ta dày công nuôi nấng không hả Hưng ? Ông Nhân bố vợ mày , chính là bạn của ta . Ta thấy mày lên Hà Nội thay đổi nhiều quá ! Lần hạnh ngộ sau hơn hai mươi năm của ta và ông Nhân thật hoàn hảo , vì vô tình ông ấy nhận ra mày là đứa mà con gái ông ấy quen . Tất cả chỉ là một màn kịch thử lòng mày thôi con ơi ! Ông Nhân đã hứa với ta, nếu mày thay đổi trở lại là thằng Hưng của ngày xưa, thì sẽ gả con bé cho mày rồi trao hết gia sản cho mày ! Ta không ngờ mày là loại cầm thú đến thế !

Ông Hải giận tím mặt rồi ú ớ đưa tay lên ôm chặt lồng ngực và đổ sụp xuống giãy giụa . Hưng thất sắc lao lại :

- Ông ! Ông làm sao thế này ?

Ông Hải chỉ tay về tủ run rẩy :

- Thuốc ... thuốc !!!!!

Hưng đặt ông Hải xuống rồi lao nhanh về cái tủ nhỏ kê sát ban thờ bới tung đống thuốc rồi cầm lên một lọ thuốc trợ tim màu xanh mà ông Hải đã đánh dấu và để riêng trong góc tủ . Một suy nghĩ chợt loé lên trong đầu gã , nếu để ông Hải sống thì công sức chăn dắt con gái lão Nhân sẽ đổ sông đổ biển . Bao nhiêu toan tính lợi danh phút chốc tan thành mây khói ! Rồi lão Nhân liệu có để cho gã yên ở cái đất Hà Thành đó ?

Suy nghĩ đó làm gã giật mình rồi bỏ lọ thuốc lại , gã tiến vào buồng rồi lấy ra một chiếc gối nhỏ bằng bông , từ từ tiến lại . Ông Hải đang trợn ngược mắt , sùi cả bọt mép ra hai bên khoé miệng . Hưng cười gằn rồi lấy chiếc gối chẹn ngang họng ông Hải rồi lẩm bẩm :

- Để tôi tiễn ông một đoạn , ông cũng đừng trách tôi ! Có trách thì trách ông lo cho tôi không trọn vẹn . Ông cũng biết mà quá nhiều rồi , biết nhiều quá thì không tốt ông đã dạy tôi như thế mà ! Ha ha ...

Thân hình hộ pháp với hai cánh tay rắn chắc ghì chặt chiếc gối mà đè nghiến lên cơ thể gầy guộc , rúm ró đang co giật của ông Hải . Ông Hải giãy dụa điên cuồng , tiến móng tay cào trên nền sàn gỗ nghe rin rít . Mấy giây sau hai mắt trợn trừng , hồn lìa khỏi xác .

Hưng bỏ chiếc gối đứng lên , mồ hôi túa ra như tắm . Gã đứng dậy thở hồng hộc rồi lùi lại mấy bước nhìn xác ông Hải đang vô hồn nằm trên nền nhà lạnh lẽo , trên bàn thờ ba nén nhanh vẫn cháy đỏ rực toả ánh sáng lờ mờ nhàn nhạt . Định thần vài giây gã lao nhanh vào trong buồng rồi điên cuồng lục tìm mớ giấy tờ nhà đất .

Gã thở hồng hộc rồi lật tung từng hộc tủ , đầu giường , ngay cả chum gạo nhưng tuyệt nhiên không thấy mớ giấy tờ nhà đất ở đâu . Gã bực mình lao ra ngoài nhà thì một giây thôi , gã kinh hãi rụng rời lùi lại mấy bước hét toáng lên . Trên bàn thờ , con Đốm đã ngồi lù lù cạnh bát nhang có ba que hương cháy quá nửa và cái di ảnh bà trắng đen của bà Phương .

Con chó nhìn gã chòng chọc , dưới cái ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn tròn máng trên vách . Bộ lông đen của nó dựng lên , lưỡi thè ra , hàm răng sắc nhọn trắng ởn đang nhìn gã gầm gừ . Nhưng kinh hãi nhất là tấm ảnh trắng đen thờ di ảnh bà Phương lớn cỡ cuốn sách , dưới làn khói hương lờ mờ hình như mới trợn trừng mắt nhìn gã đầy phẫn uất .

Hưng với tay lấy cái thanh cài cửa bằng gỗ Lim dài cỡ cánh tay rồi lao tới vụt con chó . Con Đốm kêu rú lên một tiếng rồi lao nhanh ra ngoài sân chạy đi mất dạng . Hưng hầm hầm chửi đổng :

- Súc sinh ! Đừng để tao thấy lại mày ...

Sau đó gã khép lại cánh cửa rồi lao vào căn phòng ngủ bên phải căn nhà ba gian rồi điên cuồng lục tìm nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy đống giấy tờ nhà đất đâu dù gã đã lật hết chăn nệm , giường chiếu . Gã điên cuồng lao ra nhà ngoài , hai tay túm cổ áo ông Hải lúc này chỉ là cái xác chết vô hồn , lạnh lẽo với cặp mắt trợn trừng đầy ai oán mà gầm lên :

- Lão già ! Lão để giấy tờ ở đâu ?

Một tiếng rú hãi hùng vang lên ngoài cửa sổ làm gã giật mình thả cổ áo ông Hưng rồi quay ngoắt ra nhìn , ngày đầu tiên của tháng cô hồn , mở cửa mả . Dưới ánh trăng sáng vằng vặc hắt ra soi rọi từng nhành cây ngọn cỏ , bên ô cửa sổ chưa cài then đang mở toang đó . Con Đốm đang ngóc đầu nhìn gã chằm chằm, hai con mắt đỏ như hai hòn lửa , hai chân trước bấu lên khung cửa sổ cào lên điên cuồng .

Gã kinh hãi thét lên rồi lùi lại vài bước , trên bàn thờ ba que nhang đã cháy tàn từ lúc nào bỗng sáng rực lên . Như có một sức mạnh vô hình nào đó mà cả cái bàn thờ bằng gỗ lim vững chắc đang rung lên ầm ầm . Di ảnh của bà Phương cũng rung lên từng chặp .

Trong cái không gian âm u ma quái đó , dội vào tai gã là tiếng cười , tiếng khóc than ai oán đan xen . Gã lùi lại mấy bước rồi đạp tung cánh cửa cắm đầu chạy . Gã ngã chúi mặt vì vấp phải thứ gì như cục đá , gã quay hẳn người lại rồi bò lết ra đất nhắm hướng cổng gỗ mà lùi dần lại . Con Đốm đã đứng sẵn ở hông nhà từ lúc nào , quái dị nhất là lúc này nó đang từ từ tiến lại gần gã .Nhưng nó đi bằng hai chân !

Trên đầu nó đội một chiếc nón lá vá chằng vá đụp , nó khoác trên vai cái làn cói và một bộ áo nâu sồng mục nát. Gã kinh hãi hồn vía lạc đi mấy phần , gã đái ướt hết quần , vừa lùi dần vừa lắp bắp run rẩy :

- Không ... khôngggg !!!!

Con Đốm lầm lũi tiến lại , nhớt rãi chảy đầy ra , cổ họng phát lên thanh âm the thé :

- Sao ... mày ... giết ... chồng ... tao ?

Gã chôn chân tại chỗ , phân và nước tiểu nhễu ra thành bãi đầy đũng quần . Gã thét lên một tiếng hãi hùng rồi cắm đầu chạy thục mạng ra chiếc xe hơi nổ máy phóng vụt ra ngoài con lộ .

Gã lên đến Hà Nội cũng gần 12 giờ đêm , bật tung ngọn đèn trong căn phòng trọ nhưng đầy đủ tiện nghi rồi ngồi phệch xuống chiếc ghế sofa bọc nhung , gã bốc máy gọi cho Phương để nói chuyện cho qua cơn hoảng loạn . Ba hồi chuông ngân dài mới có tiếng bốc máy :

- Alo ! Em đang ở đâu ? Có thể ghé anh chút được không ?

Đầu dây bên kia chỉ là tiếng im lặng , gã bỏ điện thoại ra rồi lầm bầm điều gì sau đó lại áp vào tai hỏi lại . Đáp lại tiếng gã là tiếng xì xào rồi tru lên từng chặp. Chưa kịp hiểu ra điều gì thì dội vào tai gã là tiếng ho sù sụ , sau đó là tiếng ằng ặc như người bị bóp cổ .

Đang chau mày lắng nghe thì một thanh âm dội vào tai gã làm mặt gã tái mét mặt mày , thét lớn rồi ném luôn cái điện thoại trên tay . Vì một giây trước thôi , dội vào tai gã là một thanh âm cô lãnh như vọng về từ chốn nào xa xăm lắm , mà gã đã kịp nhận ra đó là giọng của bà Phương - mẹ gã :

- Sao ... mày ... giết ... chồng.... tao ?

Ngọn đèn trên trần bất chợt chớp tắt liên hồi , trong cái không gian tranh tối , tranh sáng ma mị đó , ở góc phòng lúc này ! Hồn ma oan khuất của ông Hưng đang đứng chằm chằm nhìn gã .

Một làn gió mang theo hơi lạnh tột cùng xộc vào làm gã rùng mình sực tỉnh . Gã điếng hồn một lúc, rồi định thần với lấy chai rượu ngửa cổ tu ừng ực . Rượu chưa trôi quá cổ họng thì gã trợn mắt ho sặc sụa . Dưới đám rượu kèm theo dãi nhớt mà gã nôn ra , gã thấy có một chiếc nhẫn vàng giống hệt chiếc nhẫn mà ông Hài đã ki cóp tiền mua cho gã lúc ăn hỏi .

Ngoài căn phòng trọ đối diện, tiếng một người đàn bà đang ru con vọng vào tai gã âm điệu quen thuộc, là bản Dạ Cổ Hoài Lang năm nào : " Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng ... "

Gã cười hềnh hệch rồi đau đớn , hối hận trào ra dòng nước mắt cay nồng . Gã với mấy nén nhang trên chiếc bàn thờ cao ngang đầu , thắp lên ba nén nhang rồi nức nở :

- Cha ơi ! Con sai rồi ! Hu hu .....

Giọng ca Dạ Cổ Hoài Lang trầm bổng theo từng cơn gió , ở góc phòng , bóng hình ông Hải dần dần mờ nhạt rồi tan biến lúc nào không hay !

Ông Nhân và Nam tức tốc trở về nhà lo liệu đám tang cho ông Hải sau khi nhận được tin báo của công an, rằng người con trai nạn nhân đã đến thú tội và khai báo đã bỏ mặc cha mình đến chết mà không cứu .

Đám tang của ông Hải diễn ra đúng tháng mở cửa mả . Đúng ngày MÙNG BA THÁNG BẢY , tròn 30 năm ngày vợ chồng ông nhặt được thằng Hưng bị ai đó quấn vội manh tã mỏng và bỏ rơi bên vệ đường .

Sau khi đám tang vẹn toàn , con Đốm bỏ đi đâu cũng không ai hay biết . Người ta bảo nó quấn ông Hải quá nên khi ông mất đi , nó cứ nằm phủ phục ở huyệt mộ nhất định không chịu về, mặc cho Nam làm mọi cách .

Ông Nhân thắp lên ba nén hương trầm cho linh hồn ân nhân mình đỡ tủi lạnh rồi ngồi xuống chiếc bàn uống nước nắm tay Nam khẩn khoản :

- Trước kia cha con đã cứu ta một mạng . Từ lâu ta đã coi người là ân nhân của ta , nay chẳng may ân nhân của ta vận ngắn mà qua đời , ta mạo muội thắp lên ba nén nhang xin người một điều và cũng phải hỏi qua ý cháu !

Nam rót cho ông Nhân ly nước rồi lễ pháp bảo :

- Vâng ! Xin chú cứ hỏi ạ !

Ông Nhân khẩn khoản :

- Nếu cháu không chê thì ta xin nhận cháu làm con trai ta . Ta chỉ có một người con gái , sau này cháu sẽ là đứa con thứ hai của ta . Cháu có bằng lòng không ? Đó là lời nói thật từ đáy lòng ta cũng là lời căn dặn lần trước của cha cháu đã phó thác cho ta .

Nam gật đầu , tiến lại thắp cho ông Hải ba nén nhang rồi nhìn ông Nhân nức nở đáp :

- Con đồng ý là con của cha ! Nhưng con vẫn muốn ma chay để tang cha con ba năm . Sau đó sẽ lên Hà Nội theo cha ! Ơn nghĩa phải vẹn toàn cha ạ !

Ông Nhân xúc động, hai mắt cay xè ghì đôi vai Nam mà rằng :

- Giỏi lắm con trai ta ! Còn đây là giấy tờ nhà đất căn nhà này . Cha con đã cẩn thận gửi cho ta để đề phòng mất cắp. Giờ ta giao lại nó cho con coi giữ !

Nam nhận tập giấy tờ từ tay ông Nhân rồi cất giọng đượm buồn mắt nhìn về xa xăm bảo :

- Trước lúc con lên Hà Nội mấy ngày trước , cha con đã nói sẽ để cho anh Hưng coi giữ căn nhà này rồi ! Con cũng đợi anh trả án xong rồi giao lại cho anh ấy đúng theo lời di nguyện của cha con !

Một ngày âm u mưa gió BỐN NĂM SAU !

Kẹtttttt .... tiếng cổng sắt trại giam mở ra , Hưng bước hẳn ra ngoài cổng , vươn hai tay hít một hơi dài vào lồng ngực để cảm nhận không khí tự do . Gã đã trả xong bản án đó . Gật đầu chào cán bộ trại giam rồi huýt sáo, đi thẳng ra ngoài con lộ đang ướt sũng vì mưa gió .

Phía sau gã ! Con Đốm đã lầm lũi tiến sát , cổ họng phát ra tiếng gầm gừ ghê rợn !

Bên cạnh con lộ nhơ nhớp , vọng ra một câu hát ru quen thuộc năm nào .

" Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng ... "

Hết !

Tác Gải: Mạnh Ninh

About Author

HAPPY8 BLOG
HAPPY8 BLOG

Yêu thích fun88,hl8,v9bet,fb88 và nhiều trang game khác nữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe Now

Distributed by Blog Templates