Ad Section

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Quan Thiết Làm Hòm

Phần 1: Quan tài nhôm


“Quan tài” là hai từ hết sức gợi hình, khi nhắc đến hai từ này tất nhiên đi kèm đó sẽ là đám tang, những người thân khóc thương, không khí nặng mùi nhang đèn, không gian đặc nghẹt tiếng kinh tụng, tiễn đưa người trong quan về với thế giới bên kia. Đám tang hôm nay thật khác, khi đứng trên cái gò phía xa nhìn vào đám đưa tang cờ xí rợp trời, tiền vàng bạc bay như lá rụng sau trận gió to, Trần Lục vẫn còn rợn người khi nghĩ đến chuyến đi vừa rồi. Thấy cỗ quan tài mình đóng phải cần đến mười người khiêng, Lục ta khẽ thở dài, lúc ấy thì bị đánh vào đầu rất đau, Lục quay lại, thấy người ấy chính là Ngọc Mỹ. Ngọc Mỹ nói, đầy trách móc: “Lại trốn chú Ba ra đây xem động quan. Huynh làm cái gì mà hứng thú với mấy chuyện này quá vậy?”

Lục nói: “Muội mới ngộ, nhà người ta có tang, đang rải giấy tiền vàng bạc hối lộ cho đám tà ma quỷ dữ, đầu trâu mặt ngựa mà muội còn thất lễ. Không sợ tổ phụ trách mắng à?”

Ngọc Mỹ nói: “Thôi, thôi, huynh chỉ giỏi lý sự. Bác Ba kêu huynh về, lại chuẩn bị huynh đệ lên rừng tiếp kia kìa.”
Quan Thiết Làm Hòm

Lục trố mắt: “Lại đi à? Bác Ba sao mà siêng làm quá vậy? Huynh còn dợn dợn sau chuyến đi vừa rồi…”

“Cái gì? Đệ nhất Thiết Công Trần Lục mà cũng biết sợ sao?”

Trần Lục không đáp, hắn ngồi xuống gốc cây gần đó, tiếp tục nhìn về phía đoàn rước quan đang khuất dần sau rặng dừa nước. Ngọc Mỹ thấy Lục như vậy cũng đến đứng xem, hai cái lồng đèn ghi tước hiệu và tên người chết phát ra ánh sáng lờ mờ trong buổi chiều nhá nhem xám. Không hiểu sao Ngọc Mỹ lại nổi da gà, ký ức về chuyến quan thiết - nghĩa là đi rừng tìm gỗ đóng quan tài vừa rồi ùa về hết sức chân thực.

Trần Lục và Ngọc Mỹ là hai người con nhỏ nhất trong gia đình của một người tiều phu đi rừng, người này tên là Lương Minh Túc, trong nhà thứ ba nên tên thường gọi là Ba Túc. Gia đình của Ba Túc trong chuyến quan thiết vừa rồi xuất phát có tổng cộng mười người, khi về thì chỉ còn lại sáu, hai người chết, một người mất tích, một người thì bị mắc kẹt. Câu chuyện như thế nào sẽ được kể sớm thôi. Nói gia đình mà lại gồm nhiều thành viên như vậy, chẳng phải Ba Túc là người tam thê tứ tiếp hay sao? Hoàn toàn không đúng, gia đình ở đây là danh xưng, trước khi đi quan thiết, Ba Túc sẽ bắt mọi người cắt máu từ mười đầu ngón tay nhỏ vào vại rượu, sau đó rót rượu, mỗi người một ly, giơ cao lên trời khấn:

“Lạy Quan Thiết Công Tổ phụ chứng giám, thề từ này tận trung với Thiết Công, có đi nguyện vịn vai nhau, có về nguyện nâng đỡ nhau, có chết nguyện đóng quan cho nhau.”

Sau đó uống cạn ly rượu trên tay, thế là đã trở thành gia đình, đối xử với nhau cũng phải biết bảo bọc, để Ba Túc biết được có hiềm khích hoặc giành gỗ mà đấu đá lẫn nhau là không yên với ông ta. Ba Túc năm nay đã gần tám mươi, râu trắng để dài đến ngực, đầu đã rụng gần hết tóc, thế nhưng nội lực phát ra từ ông khiến người đối diện lúc nào cũng phải kiêng dè, ánh mắt sâu hoắm, đã kinh qua không biết bao nhiêu chuyện động trời, chỉ cần một cú liếc thì người yếu bóng vía tay chân đã rệu rời. Chuyện đi rừng tìm gỗ đóng quan tài đối với Ba Túc hết sức hệ trọng chứ không thể muốn đem ra đùa là đùa được, trước khi đi phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau khi về, lấy được bao nhiêu gỗ thì đóng bấy nhiêu quan tài, tiền kiếm được một là chia cho anh em trong “gia đình”; hai là lo hậu sự cho những người chết, gia đình người chết cũng được Ba Túc gửi tiền về nuôi nấng từ đó; ba là sắm sửa chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo.

Lại nói về chuyện đi “quan thiết”. Phàm những thứ thuộc về cõi âm trên đời đều đáng sợ, những thứ chứa xác người chết như quan tài cũng không phải ngoại lệ. Quan tài dành cho người chết già, chết đoản mạng vì bị tai nạn, bệnh tật xin không được bàn tới. Quan tài dành cho người chết vì những nguyên do khó hiểu mới nằm về phạm trù công việc của gia đình nhà Ba Túc. Khoảng mươi ngày trước, Ba Túc đang ngồi uống trà, nhai trầu, quấn chưa xong điếu thuốc rê thì có người hớt hãi chạy vào, vừa chạy vừa réo: “Chú Ba, chú Ba ơi chú Ba! Lớn chuyện rồi, lớn chuyện rồi!”

Nhà Ba Túc là một ngôi nhà mái lá Nam Bộ bình thường, cột nhà táng đá xanh, làm bằng gỗ mù u; rui mè, đòn tay, cây trính thì làm bằng gỗ cây tràm. Bên trên lợp lá dừa, che bằng ba hàng ngói đỏ, nhìn vào thì chẳng có gì đặc biệt. Ngoại trừ một chi tiết, phải là người trong nghề mới biết được, phía trước nhà Ba Túc có treo một cái bánh xe bằng gỗ đóng đầy váng nhện. Thoạt đầu nhìn vào tưởng là món đồ chỉ đáng vứt đi, nhưng khi nhìn kỹ vào năm cây niềng trong bánh xe sẽ thấy được khắc năm chữ “Nghĩa Tử Bất Phục Táng”, dịch ra là “Đến chết vẫn chưa chịu đi chôn”. Câu này mang hàm ý chỉ những người chết vì thế lực huyền bí, âm hồn vẫn vất vưởng trên dương gian, cần phải được táng bằng những cổ quan tài đặc biệt, làm từ những cây gỗ, nguyên liệu trát quan cụ thể. Lúc ấy gia chủ cần tìm đến Thiết công, là những gia đình như gia đình của Ba Túc để nhờ vả. Người vừa chạy vào trong sân của Ba Túc là ông Tám Mãi, làm nghề chở gạo. Ba Túc thấy cử điệu Tám Mãi kỳ lạ bèn châm cho ông ta ly trà nóng, nói: “Có cái gì mà chú Tám hớt ha hớt hải vậy. Uống ly trà cho thấm giọng.”

Tám Mãi ngồi xuống, vỗ lên đùi đen đét, nói: “Trời ơi là trời. Giờ này mà còn trà với bánh cái gì hả chú Ba. Đám ma của ông Năm Dóng đầu làng chú Ba có hay không?”

“Có chứ. Mà ngặt cái tui mới đi rừng về, chưa qua cúng bái gì cho anh Năm.”

Lúc ấy, nhà sau có tiếng chân, tiếng nói cười, đùa giỡn, là Trần Lục và Ngọc Mỹ, vừa thấy Tám Mãi, cả hai liền nghiêm trang lại, khoanh tay thưa rất lễ phép. Trần Lục mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đi ăn xin trong chợ, dẫn đầu đám lâu la chuyên đi phá làng phá xóm, chẳng được học hành đến nơi đến chốn nhưng tố chất thông minh, láo cá thì có thừa. Sau một trận quậy ác liệt, làm chìm chiếc ghe của một người chở gạo thì Trần Lục bị phạt nặng, nhờ có Ba Túc đứng ra làm chứng, hứa sẽ dạy dỗ hắn nên người, Trần Lục đi theo Ba Túc từ đó. Nhờ tố chất thông minh, lại được chính tay Ba Túc dìu dắt, Trần Lục sớm phát huy hết khả năng, trở thành cánh tay đắc lực cho Ba Túc, mặc dù cái tính tình quậy quạng, lười biếng, thích cà rỡn và thích thể hiện thì không bỏ được. Trần Lục có khuôn mặt điển trai nhưng nhìn rất hung dữ, tóc cắt cao, mái tóc để nhọn ra phía trước, tai trái đeo một cái khuyên màu đen, nghe đâu là tín vật duy nhất của cha mẹ.

Ngọc Mỹ là cháu ruột của Ba Túc, nhỏ hơn Trần Lục ba tuổi. Từ nhỏ Ngọc Mỹ đã đi theo nội mình kinh qua biết bao nhiêu hiểm nguy, mặc dù có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nhà chỉ có hai ông cháu, để Ngọc Mỹ ở nhà thì Ba Túc không yên tâm nên ông cũng không còn cách nào khác. Ngọc Mỹ thông minh, xinh đẹp, nói chuyện rất có phép tắc, biết trước, biết sau, kiến thức quan thiết chẳng thua kém gì ông nội cô. Ngọc Mỹ thấy khuôn mặt Tám Mãi căng thẳng thì hỏi: “Có chuyện gì vậy chú Tám, bộ có kèo cho nội con hả?”

Tám Mãi nói: “Ầy da, thì là chú Năm Dóng của tụi mày chứ ai. Lúc cả gia đình bây đi rừng, trong xóm có chuyện. Thôi thôi, lên trên đó xem tình hình cái rồi tính tiếp. Bây coi, tao mới tấp ghé vô, thấy cảnh tượng bên trong đám ma mà bây giờ còn sợ xanh mặt đây nè.”

Năm Dóng là bá hộ trong vùng, nhà kín cổng cao tường, trước cổng trưng hai bức tượng nghê đá cao gần bảy mét, sân nhà là vườn với đủ loại cây quý, từ sân đi lên gian nhà chính là cầu thang hai mươi mốt bậc, thành cầu thang chạm khắc rồng ngậm châu uốn lượn như đang bay nhảy trên chín tầng trời. Ba Túc cùng Trần Lục, Ngọc Mỹ đi theo Tám Mãi, vừa đến tư trang thì thấy người dân hiếu kỳ đứng rất nhiều, Tám Mãi liền hô lên: “Bà con tránh sang một bên cho chú Ba nào!”

Dân tình vừa nghe hai từ “chú Ba” ai nấy cũng quay lại nhìn, cúi đầu, dạ thưa rất cung kính, nhường đường cho Ba Túc cùng Tám Mãi và hai người con. Con đường chính dẫn vào nhà chính được lát đá bảy màu, tảng đá to bằng cùm tay, sắp xếp vô trật tự nhưng nhìn vào thì bắt mắt vô cùng. Ba Túc vừa đi vừa quan sát xung quanh, thấy một nhóm đạo tỳ đang đứng bất thần nhìn vào gian phòng khách phía trên cao. Vừa thấy Ba Túc, một người trung niên, nôm là nhân quan (người đứng đầu nhóm đạo tỳ) chạy ra chào hết sức lễ phép: “Thưa chú Ba mới tới.” Ba Túc hỏi người ấy xem có chuyện gì, người ấy liền kể về sự vụ hôm qua, khi Năm Dóng hấp hối.

Năm Dóng trước khi chết thì đã viết di chúc chia tài sản cho con cháu cùng với ước nguyện sau này là được chôn trong quan tài góc nhôm. Quan tài góc nhôm là loại quan mới xuất hiện sau này, do một nghệ nhân ở Bạc Liêu chế ra, nghe đồn có thể giữ xác lâu thối rữa hơn quan tài được làm bằng gỗ thường, giá tiền tất nhiên đắt hơn gấp ba bốn lần, vì chế tác nhôm thủ công rất khó, đòi hỏi nhiều công cụ, công đoạn. Sau khi đã cắt đặt mọi thứ, một tuần sau thì Năm Dóng chết, tắt thở giờ Tý một khắc. Bà Năm từ khi hay tin chồng mình hấp hối thì biến đâu mất biệt, ông Năm chết, con trai trưởng tên Phúc liền tiến hành những công việc đã được chuẩn bị từ trước rồi cho người đi rước thầy chùa về đọc kinh. Ai ngờ, chưa được một phút sau, người ta thấy tiếng rên la rất thảm thiết, là tiếng của bà Năm.

Cả gia quyến sợ hãi, kéo người đi đến phòng bà tìm nhưng không thấy. Tiếng rên sau đó lại vang lên, thì ra nó phát ra từ phòng của Phúc, người con cả. Cả nhà lại chạy đến thì thấy bà Năm đang ngồi trang điểm, khuôn mặt trét phấn dày một lớp, mắt đánh thành đen kịt, bà đang dùng son vẽ những đường nguệch ngoạc chỗ cửa miệng, trông như máu đang chảy ra thành dòng. Phúc chạy đến gọi mẹ mình, lúc đó bà đột ngột quay mặt lại, rên lên ư ử: “Con cháu bất hiếu, không chôn bằng quan tài gỗ, muốn trù cả dòng họ tán gia bại sản hay sao? Bất hiếu! Bất hiếu!”

Chỗ tròng mắt đánh phấn đen của bà Năm chợt sáng lên một màu đỏ thẫm, nhìn chầm chầm vào đám người đang há hốc miệng ngoài cửa phòng. Phúc biết có mười phần thì chín phần hung liền nhờ một người bạn là bá hộ Hứa ở Trà Vinh tương trợ, bá hộ Hứa lại nhờ em mình đến giúp, người em làm việc nhanh tay, thoáng cái bà Năm đã trở lại bình thường. Thế nhưng, sau khi người em rời đi, đêm đó lại xảy ra chuyện. Nhà của Năm Dóng có khoảng năm người giúp việc và hai mươi lực điền, người giúp việc thì ngủ ở nhà trên, lực điền ngủ trong kho thóc. Khoảng hai giờ sáng, đám người làm nghe ở dưới kho thóc có tiếng động kỳ lạ liền gọi nhau dậy.

Một trong những người đó nói chẳng lẽ có trộm, cả đám đều lấy gậy gộc, chổi chà kéo nhau xuống dưới, không quên dặn nhau ông chủ vừa chết, không được làm phiền cậu hai mà phải tự xử lý. Thế nhưng, khi vừa kéo cửa kho thóc ra, cả đám được một phen hồn vía lên mây, cả thảy hai mươi lực điền đang đứng thành vòng tròn, nhảy một điệu múa gì rất kỳ lạ, hai tay vung lên trời, hai chân phành ra, cần cổ khỉ quắp ngược ra sau, ánh mắt vô hồn. Chính giữa vòng tròn có một đụn rơm bị cháy, trong đụn rơm lại có vật gì đó màu đen. Đám giúp việc chẳng ai dám bước vào trong, hai mươi người lực điền đứng ủ rũ được một lát thì bắt đầu nhảy múa xung quanh đụn rơm, đụn rơm bỗng nhiên cháy cực mạnh, để lộ bên trong vật thể lúc nãy là một mớ tóc. Nhưng đây không phải tóc thường, chúng như có sự sống, chuyển động lúc nhúc chẳng khác gì một đống rắn độc đến từ chốn âm tào địa phủ. Sau đó, toàn thể hai mươi tên lực điền ngã xuống cùng một lúc, giống như mọi đốt xương trên cơ thể đã gãy lìa.

Đám người ở khỏi phải nói cũng biết thất kinh tốt độ, kéo nhau ù chạy đi kêu cậu hai Phúc. Khi Phúc vào thì lũ lực điền cũng đã tỉnh dậy, chúng nói không nhớ gì cả, đám “tóc” cũng biến mất, chỉ còn vết nám của rơm bị cháy dưới sàn kho thóc. Phúc thấy khó hiểu, nhưng vì lo hậu sự đã quá mệt mỏi nên cho qua.

Sáng hôm sau, tang lễ diễn ra hết sức bình thường, cho đến khi nhập quan, đấy cũng là lúc Tám Mãi đi ghe về. Thủ tục nhập quan cho người chết bao gồm đặt Ban thờ vong, khâm, liệm và phục hồn. Ban thờ vong là một cỗ linh sa, để linh sa lên bàn lớn, kèm theo bài vị, hình người chết, phía trước đặt một nải chuối và một quả bưởi, hai bên linh sa là hai cây chuối non cắm trong hủ lục bình. Cuối cùng là một chiếc thang làm từ chuối, được dựng vào linh sa. Chuẩn bị Ban thờ vong xong xui thì đến khâm liệm. Khâm và liệm còn có tên là đại liệm và tiểu liệm, đại liệm ở trên giường, tiểu liệm ở dưới đất, nôm na là quấn xác người chết hai lần. Lúc liệm ở trên thì để vải dọc rồi quấn, lúc liệm ở dưới thì để vải ngang. Những điều kể trên nhóm đạo tỳ đã làm biết bao nhiêu lần, sau đó thì sự việc hãi hùng ập đến.

Khi khâm liệm xong, người nhân quan sẽ bước ra Ban thờ vong để làm lễ nhập hồn, nghĩa là trình báo với Diêm Vương người chết này không còn trong hộ khẩu, xin Diêm Vương nhập tên vào sổ thiên tào. Khấn xong, người nhân quan sẽ chém đứt cây thang, ý muốn rước người chết đi xong rồi, cắt thang để không trở về được nữa. Tuy nhiên, khi người nhân quan, chú Khôi, vừa vung dao chém xuống thì cây thang không hề hấn. Cây thang này chỉ được làm bằng chuối non, chuyện như vậy không bình thường chút nào, vả lại, chú Khôi đã làm công việc này đã hơn mười lăm năm, kinh nghiệm trong người không phải dạng tầm thường, biết có chuyện chẳng lành sắp đến liền sai đạo tỳ bảo hộ gia quyến. Lúc này, cỗ quan tài trát nhôm bốn gốc như lời Năm Dóng yêu cầu bỗng lắc lư dữ dội, nắp quan đã được trát rất kỹ đột nhiên bật tung. Toàn thể gia quyền quỳ gối phía trước được một phen kinh hãi khi thân quan tài đang nằm ngang bỗng nhiên dựng đứng lên, để lộ bên trong là xác của Năm Dóng. Đấy cũng là lúc Tám Mãi chạy đi gọi Ba Túc.

Ba Túc nghe kể xong liền quay sang hỏi người nhân quan: “Chú Khôi, gia chủ cùng gia quyến chú đưa đi đâu rồi?”

Khôi nhân quan đáp: “Dạ, con lợp nhà chuối già cho họ chui vào cả rồi. Chú Ba yên tâm.”

Ba Túc khen “Giỏi!” một tiếng rồi nói với Ngọc Mỹ: “Đi chuẩn bị xôi với mùn gạch non đi con!” Ngọc Mỹ “Dạ!” rồi chạy đi rất nhanh.

Ba Túc bước lên gian nhà chính, nơi cỗ quan tài đang đứng sừng sững. Nhà chuối già mà Khôi nhân quan nhắc đến lúc nãy chính xác theo nghĩa đen là cắt những tàu lá chuối già để lợp tạm bợ thành một cái lều, xung quanh đi ba bước thì cắm năm cây nhang. Làm việc này khi gặp những biến cố khi nhập quan, động quan hoặc hạ huyệt. Gia chủ, gia quyến ngồi dứa mái lá chuối già này một là tránh cho thân thể tiếp xúc với âm khí, hai là xuất phát từ thuật dùng “chuối che, tre đóng, còng chui”, giúp tinh thần được giải tỏa, không bị ma nhập thể. Tạm thời như vậy là được.

Ba Túc bước đi phía trước, Trần Lục theo sát phía sau, họ đều biết mình đang sắp phải đối diện với thứ gì: chính là “xác bất phục tán”.

Như năm chữ được khắc trên năm cây niềng của bánh xe treo trước nhà Ba Túc - “Nghĩa Tử Bất Phục Táng” - linh hồn của ông Năm Dóng hiện giờ không vừa lòng với chiếc quan tài làm bằng nhôm này, không chịu xuống âm phủ để đi đầu thai, như thế thì sẽ trở thành âm hồn vất vưởng, rồi trở thành oán linh hay cương thi, gây hại cho người dân. Những sự kiện kỳ lạ xảy ra trong đêm ông ta chết cũng đã xác minh một phần cho chuyện này. Những Thiết công như Ba Túc và gia đình của ông thực chất không phải đạo sĩ diệt ma gì cả, hiện giờ điều duy nhất Ba Túc có thể làm là trát lại bốn góc quan.

Trần Lục đi phía sau nói: “Nghĩa phụ à, chúng ta mới đi rừng có mấy ngày mà mấy người trong làng này đã làm càng. Gì mà quan tài bằng nhôm cơ chứ, chuyện này nghe vào đã thấy hoang đường. Quan tài làm bằng gỗ, về với đất ấy gọi là phụng theo mệnh trời. Đêm chôn nhôm xuống đất chỉ thấy lạnh, mười phần thì chín phần là hung.”

Ba Túc nói: “Tên tiểu tử này, đang là đám tang đừng có độc mồm độc miệng. Có đem dao Nhãn Lòng theo không?”

“Nghĩa phụ lại muốn thử con?! Khi bước lên đây, nghĩa phụ đã biết là con có đem rồi, chỉ muốn hỏi lại cho chắc thôi đúng không?”

“Haha. Tiểu tử thúi, được cái khôn lỏi.”

Trần Lục nghe Ba Túc nhắc đến dao Nhãn Lòng thì cũng móc ra thủ sẵn trên tay, cây dao này được chế tác đặc biệt, lưỡi dao như lưới của cây nhãn lòng, trên lưới có nhiều lỗ to nhỏ khác nhau, dùng để lấy đinh tán đóng trên quan tài. Thiết công làm việc lúc nào cũng nhanh gọn, dụng cụ chẳng muốn đem theo cả lố, tất cả kích cỡ đinh tán đều có trên cây dao Nhãn Lòng này. Vừa bước đến bậc thang thứ mười bảy, mười tám thì đã thấy cảnh tượng kinh hãi hiện ra trước mắt. Chiếc quan tài dựng đứng, đồ tùy táng, khâm liệm bên trong rơi cả ra ngoài, chỉ còn cái xác của Năm Dóng như bị dính keo vào đáy quan. Tấm áo quan màu vàng, óng ánh trên đó là những đồ trang sức đắt tiền cứ lắc lư qua lại như có sự sống riêng của chúng. Khuôn mặt Năm Dóng trắng bệch, cặp môi tím lịm, mắt nhắm nghiền, cổ nổi gân màu đen.

Ba Túc chậc lưỡi nói: “Mới chết đêm qua mà sao xác phân hủy nhanh vậy chèn.”

Trần Lục bảo: “Thì nghĩa phụ coi đi, cũng do một tay cái quan tài nhôm chó chết này chứ đâu.”

“Không được thất lễ!”

Lúc này, Ngọc Mỹ cũng đã lên tới, đồ mà Ba Túc kêu cô chuẩn bị cũng đã cầm sẵn trên tay: “Nội ơi, tiến hành được rồi.”

Ba Túc gật gù, ra chiều hài lòng, đoạn đốt ba cây nhang rồi khấn: “Anh Năm, ngày xưa cũng cùng Túc đối ẩm, chia nhau cuốn thuốc, chén rượu, hôm nay thấy anh như vậy Túc cảm thấy thật hổ thẹn vì không cứu giúp anh được nhiều. Hôm nay lại phải thất lễ với áo quan, với chư vị thần tiên, chỉ mong sau này khi anh Năm xuống dưới cửu tuyền sẽ hiểu cho Túc tôi. Hây da!”

Vừa dứt lời, Ba Túc lập tức ném ba cây nhang về phía Năm Dóng, động tác của ông rất gọn, ba chân nhang cắm thẳng vào trán và hai vai của Năm Dóng, chính là nơi của tam muội chân hỏa, chính xác đến từng phân nhỏ. Lý do phóng vào tam muội chân hỏa không phải để thấp lại chúng, vì người chết chân hỏa làm gì còn cháy mà thấp, đơn giản Ba Túc chỉ muốn kéo lại phần người của Năm Dóng, ngăn cho ông ta hóa cương thi. Xác Năm Dóng bất chợt rung lên bần bật, quan tài phát ra hơi nóng, Ba Túc nhìn sang Ngọc Mỹ thấy cô đã thủ thế, bản thân mình cũng chuẩn bị. Ba Túc móc từ túi áo bà ba ra bốn mảnh giấy và một cây viết. Mỗi mảnh giấy ông viết một từ: Phục - Tử - Cấp - Cấp, đoạn đưa cho Ngọc Mỹ hai mảnh.

Hai ông cháu chẳng ai bảo ai, mỗi người dán bùa vào tay rồi chưởng mạnh vào thành quan tài, mỗi lần chưởng cảm nhận lực tác động cực mạnh, vang lên những âm thanh “huỳnh, huỳnh”. Cái quan tài đang đứng sừng sững, khi bị chưởng lực của Ba Túc và Ngọc Mỹ đánh vào thì từ từ hạ xuống. Lúc này, xác của Năm Dóng bên trong rung lên như thể bị hàng trăm người nắm vào lay, những hình ảnh trong như những sợi chỉ khắc họa lại hình hài thoắt ẩn thoắt hiện, những khuôn mặt này chính xác là tổ tông của Năm Dóng, có thể thấy di ảnh của họ trên bàn thờ phía sau. Ngọc Mỹ vừa tung chưởng thì bị một đường chỉ này tấn công, cô né sang một bên, gò mó đã rỉ máu. Trần Lục thấy vậy liền chửi thề: “Mả cha cái ông Năm này, bày trò màu mè. Tiểu muội ráng lên, vài chưởng nữa thôi.”

Ba Túc mắng: “Tiểu tử dẻo miệng, không lo chuẩn bị. Lên nè!”

Ba Túc vừa dứt lời thì dùng ngón cái kẹp chặt hai lá bùa, hét lên một tiếng xung trận rồi chúi trọng tâm về phía trước, dùng cả hai tay đánh mạnh vào mép quan tài. Cái quan tài lắc lư rồi ngã rầm xuống vị trí cũ. Trần Lục chỉ đợi có bao nhiêu đó, thân thủ rất nhanh nhảy về phía ấy, dùng cây dao Nhãn Lòng lần lượt gỡ những con đinh tán cố định miếng nhôm ở bốn góc quan tài. Lúc này, những đường chỉ mang hình hài con người bao quanh lấy Năm Dóng, tiếng re ré như hàng nghìn con dơi, phía bên của Ba Túc và Ngọc Mỹ cũng đã chạy đến chỗ nắp quan, khinh nó lên rất nhẹ, chỉ đợi Trần Lục làm xong lập tức đóng quan tài lại ngay. Trần Lục bị quấy rối nhưng thân thủ của hắn không phải dạng tầm thường, từ nhỏ đã luyện Vịnh Xuân quyền, động tác tay hết sức mỹ miều, thoắt cái bốn cái chui nhôm ở bốn góc quan đã nằm gọn dưới đất.

Trần Lục lập tức chạy đến tiếp Ba Túc và Ngọc Mỹ, bên trong quan tài, tiếng hét ngày một lớn. Ba Túc thấy vậy liền lấy xôi và mùn gạch non trét lên tay, động tác hết sức điệu nghệ trát vào những kẽ hở trên nắp quan. Xung quanh quan tài, đồ tùy táng, khâm liệm rớt tứ tung, thế nhưng Ba Túc chẳng cần nhìn vẫn vượt qua hết sức nhẹ nhàng, trông ông trát hỗn hợp kia mà như đang nhảy múa với quỷ dữ, bàn tay điêu luyện đã kinh qua không biết bao nhiêu hiểm nguy chuyển động hết sức lanh lẹ, nhẹ nhàng và thanh thoát. Thoáng cái những kẽ hở trên quan tài Năm Dóng đã được trát xong, tiếng hét lúc này mới chịu dứt. Ba Túc đổ mồ hôi trán, Trần Lục thấy vậy thì nói: “Nghĩa phụ vất vả rồi. Nhưng theo con thấy thì…”

Ngọc Mỹ nói: “Đúng vậy đó nội, không ổn lắm…”

Ba Túc thở dài, biết hai đứa con mình đang muốn nói gì. Đám đạo tỳ, người dân hiếu kỳ và gia đình của Năm Dóng ru rú bên dưới, chẳng ai dám bén mảng đến xem dù có tò mò như thế nào. Lát sau, Ba Túc cùng Trần Lục và Ngọc Mỹ đi xuống, người con trưởng tên Phúc thấy vậy thì chạy đến hỏi: “Sao rồi chú Ba? Đã xong hết chưa? Chú Ba lấy công bao nhiêu con gửi, thật tình làm phiền chú Ba quá.”

Ba Túc nói: “Tiền bạc gì bây ơi. Tao làm giùm anh Năm thôi, coi như cám ơn ba mày vì mấy bữa trà dư tửu hậu. Vả lại…”

Ba Túc nhìn Phúc với ánh mắt áy náy, Tám Mãi nãy giờ đứng nghe, nói xen vào: “Sao vậy chú Ba? Có gì cứ nói, ở đây có ai mà không biết tính chú, ấp úng như vậy không giống chú chút nào?”

Ba Túc thở dài, bảo Trần Lục cùng Ngọc Mỹ giúp giải tán người dân hiếu kỳ, dặn dò đám đạo tỳ lên trên dọn phòng đặt quan tài cho gọn gàng lại, đoạn cặp kè Phúc đi về phía nhà chuối già. Gia quyến của gia đình Năm Dóng đều có mặt ở đây đủ cả, Ba Túc dặn mấy người phụ nữ dẫn đám trẻ con lên trên, những ai không phải con ruột của Năm Dóng cũng không nên ở lại nghe, có gì Phúc sẽ kể lại sau, thoáng cái chỉ còn hai người đàn ông và một người đàn bà, là ba người con ruột của Năm Dóng. Phúc là con cả, ngoài ra còn có Đông và Trinh, lần lượt là hai người con thứ. Ba Túc bảo cả ba ngồi xuống, ông rê một điếu thuốc, châm lửa đốt rồi nói, giọng đầy buồn rầu: “Ba tụi bây sẽ thành cương thi…”

Phúc bật dậy: “Chú Ba nói sao? Chẳng lẽ từ nãy đến giờ chỉ là…”

“Đúng vậy. Tao chỉ giam ổng lại, nội trong bảy ngày tới ổng sẽ thi biến, hóa thành cương thi.”

Đông nói: “Vậy giờ làm sao hả chú Ba?”

“Tao khuyên thật, tao có người bạn là thầy trừ tà, dân thứ thiệt nghe. Bây giờ tụi bây thỉnh ổng về, ông tự nhiên biết cách làm. Thế nhưng, tao nói luôn, sau khi làm xong, thân xác của anh Năm cũng không còn nguyên vẹn nữa…”

Trình nghe vậy thì dựa vô Đông khóc nức nở, không hiểu vì cớ sự gì mà lại trở nên như vậy. Trinh vừa khóc vừa nói: “Chú Ba, chẳng lẽ không còn cách nào khác sao?”

Ánh mắt Ba Túc khẽ lay chuyển, Phúc thấy vậy liền nói ngay: “Chú Ba, chú ở đây từ thuở mở làng lập ấp, có khi chú còn có trước cả cái làng này, ai trong làng đều kính trọng, ba con cũng vậy. Con không tin không còn cách khác, chú Ba, ba con trước khi chết chỉ muốn nằm dưới đất, canh hương đất cho con cháu, làm sao con để ổng chết rồi mà còn bị phanh thây được?”

Trinh khóc nức nở, quỳ xuống, ôm chân Ba Túc: “Chú Ba, chú Ba giúp ba con đi, chú Ba!”

Hai người Phúc và Đông cũng quỳ rạp, khóc rất lớn. Ba Túc thấy vậy thì nhăn mặt, cũng tại ông nhân từ, không biết nói dốc, mà thật ra thì nói dốc ông cũng không nói được. Được một lúc, Ba Túc chậc lưỡi, thở dài nói: “Ở Thất Sơn có một loại gỗ quý, gọi là Còng Chỉ, là loại cây hấp thu Dương Khí của trời đất, năm mươi năm mới trưởng thành, năm mươi năm nữa gỗ mới chắc, một trăm năm nữa mới có thể đốn. Giờ coi như ông trời giúp tụi bây, ba ngày nữa Còng Chỉ sẽ lộ diện. Nếu xẻ gỗ Còng Chỉ đóng quan tài cho anh Năm, như thế sẽ trấn được âm khí.”

Phần 2:Đóng đinh cái, hái cưa to
 
-
Gia đình ba người bọn Phúc, Đông và Trinh nghe Ba Túc nói như thế thì ngẩng đầu lên nhìn ông, nước mắt nước mũi lòng thòng vừa đáng thương và buồn cười. Ba Túc từ trước đến nay là người kiệm lời, chỉ nói những gì cần nói, không thêm không bớt, sống trong làng xóm thì luôn hòa đồng, bao dung, hay giúp đỡ người hoạn nạn. Vì thế mà được mọi người hết mực kính trọng, những lời Ba Túc nói ra rất có cân lượng. Cho nên, khi ba anh em nghe chú Ba nói như thế thì trong tròng mắt liền lóe lên những tia hy vọng, biết rằng thứ Còng Chỉ kia chính xác có thể cứu ba mình khỏi tình cảnh thi biến, hóa cương thi, bị thầy diệt ma đánh cho hồn bay phách lạc.

Phúc vái lạy Ba Túc liên hồi: “Chú Ba gáng giúp con! Chú Ba gáng giúp con! Bao nhiêu con cũng trả!”

Ba Túc thấy vậy thì chạy đến đỡ, kêu cả ba người con của Năm Dóng đứng lên bình thường đi, đừng có quỳ lạy nữa, tổn thọ. Trần Lục sau khi ổn định bà con, nghe vậy thì chạy lại nói: “Chú Phúc đúng là bậc hảo hán trượng phu, lại một mực hiếu thảo. Nghe chú nói như thế làm sao Thiết Công tụi con nỡ từ chối cho đặng? Còn chuyện tiền nong mình thỏa thuận như thế nào chú nhỉ?”

Phúc chạy đến cặp kè Lục, nói: “Lục mày biết chú tiền thì không thiếu, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Chỉ cần tìm cho bằng được gỗ cây Còng Chỉ thì muốn sống sung sướng cả đời cũng được.”

Trần Lục từ nhỏ đã sống ngoài chợ, bản tính lém lỉnh, đặc biệt nghe đến tiền mắt sáng rực, hắn xoa xoa cái bông tai đen như đang hỏi ý nó, định cho cái giá trên trời thì đã bị Ba Túc ngăn lại. Ba Túc nói: “Quan tài được đặt làm giá bao nhiêu thì phải đợi “đếm mùn cưa” xong mới biết. Thằng Lục không được làm càng.” Trần Lục nghe Ba Túc mắng thì lủi thủi ra đằng sau đứng cạnh Ngọc Mỹ, bị cô cười cho một trận. Ba Túc quay sang Phúc, nói: “Thôi thì… Đã nói huỵch toẹt ra như thế thì tao đành nhận. Tối nay thằng Phúc sang nhà tao đóng đinh cái, mai tao lên đường.”

Phúc tròn mắt: “Đóng… đinh cái? Là cái gì vậy chú Ba?”

Ngọc Mỹ đứng sau nói: “Dạ, là làm cái giao kèo đó chú, tối nay khoảng nửa đêm chú qua là đúng luôn. Nhớ ăn mặc chỉnh tề nghe chú.”

Lúc Ngọc Mỹ nói xong câu đó, Ba Túc cũng đã chắp tay sau lưng, lửng thửng đi về, Trần Lục và Ngọc Mỹ theo sau. Khi vừa ra khỏi khuôn viên nhà Năm Dóng, Ngọc Mỹ mới nói bằng giọng điệu nghiêm túc: “Nội ơi, Còng Chỉ là gỗ quý, hai trăm năm mới đốn được, lại phải dùng đến Cưa Ông Năm, đấy là còn chưa nói đến chuyện Thất Sơn huyền bí, không biết có thứ gì đến tìm cây gỗ ấy để hút Dương Khí. E rằng…”

Trần Lục bảo: “Muội lại sợ với công sức mình bỏ ra, cái gia đình này không có tiền trả à? Theo kinh nghiệm của huynh, chỉ sợ mình đem bao tải sang cũng đựng không hết số vàng của họ, đem về không đủ thôi chứ làm gì thiếu.”

Ngọc Mỹ quát: “Huynh á, bớt bớt cái miệng.”

Ba Túc nói: “Con Mỹ nói đúng, e rằng lấy gỗ cây Còng Chỉ đóng quan tài chỉ để trấn yểm, không cho thi biến thì quá là phí của, như thế thì có lỗi với Tổ phụ. Nhưng thấy người hoạn nạn mà không ra tay tương trợ còn có lỗi hơn gấp bội. Các con đừng vì chuyện này mà tiếc gỗ, cứu một mạng người sống hơn xây bảy tháp phù đồ, cứu một người chết không thành thứ cõi âm là xây đường cho nhân gian hướng thiện.”

Cả hai nghe Ba Túc dặn thì đồng thanh: “Dạ, nghĩa phụ!” Mặc dù Trần Lục trong lòng cảm thấy khó chịu khi Ba Túc không nhắc gì đến chuyện tiền nong.

- o -

Nghĩa địa nằm ở rìa làng, cạnh con sông, bên kia sông là ruộng đồng vào mùa gặt, bên đây sông ngày xưa là một bãi đất trống, cạnh bờ sông là một lớp đá, ngăn cho nước bớt thấm vào bên trong. Cho nên, bên trong đất rất mềm, dễ đào, từ đó mà trở thành nghĩa địa. Ngộ cái, từ khi chôn những người đầu tiên, xung quanh bãi đất lại mọc lên rất nhiều sậy, không phải sậy thường, sậy này rất cao, che phần lớn diện tích của nghĩa địa. Nghĩa địa vì thế mà nằm tách biệt hoàn toàn với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của dân làng. Người dân ai nấy cũng lấy làm khó hiểu, nhưng họ không biết được, người làm điều này chính là Ba Túc. Vì thấy thổ nhưỡng tốt, có thể xây được thông đạo, Ba Túc đã chủ động tách nghĩa địa ra, đào một cái hang rất lớn bên dưới, điều này tất nhiên huy động rất nhiều Thiết Công. Hang này nghiễm nhiên trở thành đền thờ Tổ phụ Quan Thiết, trước mỗi chuyến đi, nghi lễ “huyết hợp” - uống máu, cùng gọi nhau là gia đình sẽ được làm ở đây.

Thiết Công phàm mỗi lần đi thiết quan đều phải làm lễ, bản thân họ cũng rất coi trọng việc này. Việc huynh đệ thề sống thề chết với nhau nhưng khi gặp hiểm nguy thì mạnh ai nấy chạy trên đời này không thiếu; huynh đệ ngồi chung bàn, trà dư tửu hậu không biết bao nhiêu bận nhưng sau lưng lại đâm chọt nói xấu lẫn nhau cũng không phải là chuyện có thể kể hết. Căn bản vì đó chỉ là những lời nói cửa miệng, nói cho có, men hộ thể, tinh thần nhất định có chút sảng khoái nên cuồng ngôn. Thiết Công thì khác, lấy máu ra hòa lại với nhau, miệng đọc khẩu quyết, lại cùng nhau kinh qua vô số hiểm nguy, từ đó cái không ruột thịt lại hóa thành máu mủ. Hoặc giả có chuyện kẻ hèn, đã uống chung dòng máu mà vẫn vụ lợi, lúc ấy Ba Túc hoặc những người đứng đầu gia tộc khác sẽ đích thân thay mặt Tổ phụ mà trừng phạt chúng.

Mười một giờ đêm, con đường làng vắng vẻ lâu lâu vang lên tiếng chó sủa ma, tiếng con nít khóc, tiếng chim heo kêu, gió lùa qua kẽ tay lạnh ngắt, có chín người đang bước đi về hướng nghĩa địa, dẫn đầu họ chính là Ba Túc. Con đường làng dẫn vào một con đường nhỏ, con đường nhỏ lại có một cây sậy buộc dây đỏ, nhóm người rẽ vào đó, đi được hai mét thì rẽ trái. Sậy mọc cao trước mặt, tưởng chừng như không có đường đi nhưng Ba Túc dẫn nhóm người đó đi băng băng, khoảng hai mươi mét nữa thì dừng lại. Sậy chỗ này không mọc, để lộ một phần đất hình tròn, chính giữa là một ngôi mộ đất. Ba Túc nói: “Sửu Anh, lên đốt nhang với huynh.”

Người tên Sửu Anh nghe gọi thì bước ra, ông này cao to, cơ bắp cuồn cuộn, mắt trái hình như bị chém nên không còn mở lên được nữa, bởi vậy khuôn mặt hết sức dữ tợn. Sửu Anh năm nay sáu mươi ba tuổi, dẫn đầu nhóm Thiết Công, tạm gọi là Đội số 2 trong chuyến đi tìm Còng Chỉ lần này, Ba Túc biết được tính chất nguy hiểm, cam go nên đã nhanh trí nghĩ đến phương án chia làm hai đội để dễ bề hành động. Trong nhóm của Sửu Anh còn có người em sinh đôi tên Sửu Em, bị câm nhưng là tay võ công cái thế, khinh công tuyệt đỉnh, leo cây năm mươi mét mà như cưỡi ngựa xem hoa, thoáng cái đã thấy đứng trên đỉnh. Dưới trướng hai anh em là bốn vị hảo hán khác, được chính tay Sửu Anh tuyển chọn, lần này xuống dưới cũng là để huyết hợp với bốn vị này, kèm theo đó là lấy cây cưa Ông Năm huyền thoại.

Sửu Anh nói với Ba Túc, giọng điệu rất cung kính: “Lâu rồi không về diện kiến Tổ phụ, đệ cũng thấy hổ thẹn.”

Ba Túc nói: “Đệ đừng nói vậy, Tổ phụ theo ta lên núi, xẻ gỗ cùng ta, phù hộ con cháu Thiết Quan bình an trở về. Nhang đèn đã có huynh lo, chỉ mong con cháu đừng bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, lúc đó làm quan cho nhau thật chua xót.”

“Huynh nói đúng.” Sửu Anh nói đến đó thì lấy ra hai ngọn đèn dầu, đưa cho Ba Túc một ngọn, mình giữ một ngọn, cả hai chăm lửa đốt, đám con cháu đứng phía sau liền lùi lại mấy bước. Hai người đọc rì rầm gì đó trong miệng, mắt nhắm nghiền, một lúc sau thì hô lên “Hây da!” rồi ném ngọn đèn dầu về phía cái mả đất, tưởng rằng đèn dầu sẽ vỡ, thế nhưng trên mả đất có cắm sẵn hai cây tràm, mỗi cây tràm đều có đóng đinh, hai người Sửu Anh và Ba Túc chính xác là ném đèn dầu điệu nghệ làm sao cho chúng bị treo vào đinh, xoay mòng mòng trong không khí. Đèn dầu xoay, dầu đèn chảy ra, bắt lửa, lan xuống dưới, phần đất trống hình tròn bỗng nhiên vụt cháy. Thì ra dưới lớp đất mả có cơ quan, lửa cháy thành hình hai cái hòm, trong mỗi hòm đều có một bộ xương, tất cả được vẽ cách điệu. Sửu Anh chìa tay ra nói: “Mời huynh mở cổng!”

Ba Túc vỗ vai người huynh đệ của mình, đoạn tiến đến cái mả, chụp tay vào hai cánh tay xương xẩu trong mỗi cái hòm rồi kéo mạnh, thì ra là hai cánh cửa dẫn xuống một thông đạo. Ba Túc đốt đuốc, bước xuống, tám người phía sau cũng đi theo, Sửu Anh đi cuối cùng, sau khi đảm bảo tất cả đều xuống hết thì đóng cửa thông đạo. Ngọn lửa trên mả đất và trong hai cây đèn dầu không hiểu vì sao cũng tắt ngắm.

Thông đạo hẹp chỉ đủ một người bước đi, bậc thang cao, càng xuống dưới thì không khí càng lạnh. Nhóm chín người cứ bước đi, không ai nói tiếng nào, cuối thông đạo không gian rộng hơn một chút, Ba Túc cầm đuốc châm vào hai cái chảo lớn, lửa phừng lên soi sáng mọi thứ. Trước mặt nhóm chính người là một cánh cổng đá được tạc từ một tảng đá khổng lồ. Cổng này dẫn vào đâu thì không biết, chỉ thấy đen ngòm ngòm, hai cột đá, một bên khắc hình Ngưu Đầu, một bên khắc hình Mã Diện, bên trên là tấm bảng bằng đá khắc ba chữ Hán: “Thiết Quan Môn.”

Kiến trúc này đứng gần rất khó phát hiện nhưng khi nhìn toàn cảnh có thể thấy nó là một chiếc quan tài khổng lồ, cánh cổng kia chính là cửa dẫn vào bên trong lòng quan tài, nơi đầy là điện thờ Tổ nghiệp của Thiết Quan Công - những người đi rừng xẻ gỗ đóng hòm. Ba Túc quan sát xung quanh, thấy mọi thứ đâu vào đấy thì quay lại nói với nhóm người: “Huynh đệ, hôm nay là ngày đặc biệt, Thiết Quan thu nhận thêm bốn vị hảo hán, Túc tôi rất vui mừng. Bốn vị huynh đệ, xin mời bước lên phía trước.”

Bốn người nọ nghe gọi thì làm theo, Ba Túc nhìn một lượt thấy ai cũng mang vẻ dặm trường, đôi mắt rất sáng thì gật đầu tỏ ý hài lòng. Ông đi về phía góc phòng, lát sau trở về, đem theo chín cái áo liệm màu vàng, bên trên thêu hình phượng hoàng ngậm ngọc, rồng đạp mây uốn lượn rất đẹp, đoạn phát cho từng người. Ông nhìn một lượt, cầm áo đưa lên trước mặt, nói: “Để đi qua Thiết Quan Môn, xin mời các vị khoác áo liệm.” Vừa dứt lời, ông tự mặc áo, Sửu Anh, Sửu Em, Trần Lục và Ngọc Mỹ cũng làm theo. Bốn người mới đến mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, thế nhưng nghe bảo mặc áo liệm không khỏi áy náy.

Một người đầu đinh, da trắng, khuôn mặt dữ tợn bước lên nói: “Dạ, thưa chú Ba, con biết là truyền thống của bổn nghề, nhưng không phải mặc áo liệm trước chuyến đi là điềm xấu sao? Con mới đến, còn chưa biết nhiều, nhưng từ trước đến giờ làm việc cũng phải rõ ngọn ngành, xin chú Ba đừng trách. Sự việc này hết sức kỳ lạ!”

Ba Túc khua tay, ý bảo không sao, ông nói: “Hiền điệt, hiện giờ chúng ta đang ở nghĩa địa, chui xuống thông đạo thì thấy cái quan tài khổng lồ. Như vậy chưa đủ kỳ lạ sao? Hiền điệt nói đúng, mặc áo liệm là điều cấm kỵ, nhưng đó là khi chúng ta ở trên, giờ đây, khi sắp đi vào Điện thờ Tổ phụ nằm trong quan tài, chúng ta khoác trên người quần áo bình thường mới lạ trái với đạo lý. Trước khi nhập quan, thi thể đều phải được khâm liệm, mặc đủ quần áo liệm, ấy là lẽ trời, Thiết Công chúng ta khi đi vào Điện thờ cũng phải theo. Hiền điệt có hiểu chưa?”

Bốn người mới đến nghe Ba Túc giải thích xong, mặc dù thấy hợp lý nhưng khi cầm áo liệm trên tay mặc vào, động tác vẫn còn hết sức do dự. Trần Lục thấy vậy thì nói: “Mấy huynh đừng lo, lúc đầu đệ cũng thấy ớn ớn, sau này cũng quen thôi. Mấy huynh thấy đệ vẫn còn sống nhăn răng đây nè, có bị gì đâu.” Lục nói xong thì tiện tay khoác luôn cái áo liệm lên người, bước đi về phía Ba Túc, Ngọc Mỹ, Sửu Anh, Sửu Em cũng đã theo sau. Bốn người mới thấy vậy thì nhìn nhau, nhún vai rồi làm theo, khi vừa khoác áo liệm, họ mới hốt hoảng nhận ra không gian tối om om bên trong quan tài khổng lồ ban nãy thật ra được phủ bởi ánh sáng lân tinh màu xanh lục, trông vừa huyền diệu vừa ma mị, khi không khoác áo liệm thì lại không thấy gì cả. Chẳng lẽ đây là “lẽ trời” mà Ba Túc muốn nhắc đến?”

Ba Túc dẫn đoàn người bước qua Thiết Quan Môn, không gian bên trong quan tài đá khổng lồ cực kỳ rộng rãi. Bên trái có ba phiến đá lớn, trên viết chi chít Hán tự, bên phải là một dãy tượng đất nung, đầu tượng đeo mặt nạ hát tuồng. Cuối phòng quan tài có một cái hòm gỗ khác, bên trên để lư hương, phía sau mọc lên rất nhiều chuối. Tán lá của chúng có màu đỏ như máu. Chính giữa gian phòng quan tài có kê một cái nồi đất, đường kính khoảng nửa mét. Trần Lục và Ngọc Mỹ đã nhanh tay đốt nhang, phát cho mỗi người mười một cây, Ba Túc nhân lúc đó thì chỉ tay về cái quan tài ở cuối phòng, nói: “Cấm ba cây cho Tổ phụ.” Đoạn, xoay sang chỉ tám bức tượng đeo mặt nạ cải lương: “Cấm một cây nhang cho mỗi tiền bối.” Ba Túc chỉ nói ngắn gọn nhiêu đó, đoạn tiến về quan tài, quỳ xuống, dập đầu ba cái hết sức cung kính, ở mỗi bức tượng tiền bối thì ông dập đầu hai cái. Đoàn người cứ noi gương Ba Túc mà làm theo, lúc xong thì đồng hồ điểm giờ Tý một khắc.

Lát sau, toàn thể chín người đã ngồi quây quần xung quanh cái nồi đất ở giữa phòng, Ba Túc quay sang hỏi Sửu Anh: “Đệ có dặn anh em chưa?”

Sửu Anh gật đầu cung kính, đoạn nói với bốn người mới đến: “Xin mời huynh đệ lấy dao găm.”

Tiếng “xoẹt, xoẹt, xoẹt” của dao găm tướt khỏi bao vang lên, vọng vào bốn bức tường của quan tài đá nghe hết sức ghê tai. Chín người, mỗi người một con dao găm, dẫn đầu là Ba Túc, ông giơ tay, nắm lấy lưỡi dao, tiến về phía chiếc nồi đất, bằng một động tác nhẹ nhàng, cắt đứt lòng bàn tay một đường nhỏ. Ông siết chặt nắm đấm, một giọt máu rất lớn rớt xuống, chạm vào nước trong nồi đất làm nó lăn tăn gợn sóng. Tiếp đến là Sửu Anh, Sửu Em, Trần Lục, Ngọc Mỹ và bốn người mới đến, thoáng cái nước trong nồi đất đã chuyển thành màu đỏ, Ba Túc múc cho mỗi người một chén thật đầy, vừa múc vừa ngâm nga một điệu vè.

“Thiết Công cắt máu. Con cháu keo sơn. Thiết Công uống máu. Hổ báo tránh xa. Thiết Công ngâm nga. Khúc ca xẻ gỗ. Thiết Công xuống lỗ. Đóng chặt nắp quan.”

Trần Lục mỗi lần nghe Ba Túc đọc bài vè này đều phải nhịn một cơn cười, trong không khí trang nghiêm này, hắn ta dù gì cũng phải biết giữ mặt mũi, không thôi thì khó mà yên thân với Ngọc Mỹ. Ba Túc múc xong thì ngồi xếp bằng, tay nâng chén, bắt đầu khấn, tám người còn lại đều đọc theo: “Lạy Quan Thiết Công Tổ phụ chứng giám, thề từ này tận trung với Thiết Công, có đi nguyện vịn vai nhau, có về nguyện nâng đỡ nhau, có chết nguyện đóng quan cho nhau.” Xong thì ực hết cả chén.

Ba Túc nhìn sang Sửu Anh, ông ta hiểu ý, vì bốn người mới đến này sẽ đi theo Sửu Anh nên ông ta nói: “Huynh đệ, huyết hợp đã xong, từ giờ chúng ta coi nhau như người một nhà. Chuyến đi lần này vô cùng nguy hiểm, mỗ biết huynh đệ có người vì mưu sinh, có người vì tình cảnh bắt buộc, có người lại đi vì đơn giản là muốn đi. Cho dù mục đích của chúng ta là gì, nguyện từ nay không bao giờ bỏ mặc nhau trong hiểm nghèo.” Ai nấy đều chấp tay, khuôn mặt tuy có phần căng thẳng nhưng đều cho lời Sửu Anh nói là đúng.

Sửu Anh quay sang Ba Túc: “Huynh chắc còn phải ở lại để đóng đinh cái?” Ba Túc gật đầu, Sửu Anh nói tiếp: “Vậy đệ sẽ đi trước, đệ không phải huynh, chắc phải cần nhiều thời gian hơn.”

Ba Túc bảo: “Đệ đừng có khách sáo như vậy. Chuyện thám thính chắc phải nhờ đến đệ. Huynh đóng đinh cái xong sẽ xuất phát ngay sau đó. Bảo trọng!”

Sửu Anh chắp tay: “Túc huynh bảo trọng.” Nói xong thì dẫn anh em rời khỏi quan tài đá.

- o -

“Thôi, trời ơi, giờ mà kỳ vậy, bắt mặc áo liệm rồi còn kêu đi vô trong. Ép nhau vừa vừa thôi.” Là tiếng nói của người con trai trưởng tên Phúc, một người con của Ba Túc vừa dẫn anh ta tới. Ba Túc nghe vậy thì phải chạy ra, thuyết phục gãy cả lưỡi Phúc ta mới chịu đi vào trong, khuôn mặt ban đầu có vẻ căng thẳng, nhưng khi thấy hai người Trần Lục và Ngọc Mỹ cũng có mặt thì mới giãn ra được chút ít. Phúc nói: “Chú Ba, con biết biết chú hành tung bí ẩn, nhưng như vầy thì đúng là quá sức tưởng tượng rồi…”

Trần Lục cười bảo: “Tính chất công việc cả thôi chú Phúc. Sao, chú có đem theo tí gì gọi là “lộ phí đi đường” như con nói không?”

Ba Túc liếc sang Trần Lục, bụng nghĩ chẳng lẽ thằng này thừa cơ mình không để ý đã đi vòi tiền người ta, Ba Túc liền nói: “Tên láu cá nhà ngươi lại bày trò gì nữa rồi? Ngồi yên nghe lời không được hay sao?”

Phúc nói: “Thôi mà chú Ba, làm gì cũng phải có động lực, ai lại cho không ai cái gì, đạo lý đó chú Ba rành hơn con nhiều mà. Đây.” Nói đoạn, Phúc lấy ra một xấp tiền, nói: “Con gửi mọi người vài đồng làm lộ phí, thuốc than. Đây chỉ là lòng thành chứ tuyệt nhiên chẳng liên quan gì đến chi phí sau này, chú Ba yên tâm.” Phúc chưa kịp nói xong thì Trần Lục đã vội nhận tiền, Ba Túc thấy vậy, tuy có khó chịu nhưng ngẫm lại thấy có một tí lộ phí cũng đỡ một mối lo, dễ dàng tập trung vào công việc hơn nên thôi không nói gì cả.

Ba Túc nói: “Chú Phúc, bây giờ chúng ta sẽ đóng đinh cái. Chú theo lão qua đây.” Ba Túc dẫn Phúc đến bức tường chỗ có trưng mấy pho tượng đeo mặt nạ cải lương, lại gần mới thấy trên mỗi pho tượng đều có treo một thứ công cụ. Chỗ pho tượng thứ bảy là một cái cưa dài khoảng một thước, rộng một gang tay, lưỡi cưa màu trắng, nhìn kỹ lại thì biết được làm từ răng cá sấu. Ba Túc tiếp: “Vị này là Lương Ngân Đạt, thủ lĩnh đời thứ bảy của Thiết Quan Công. Ngân Đạt tiền bối dành ngót hai mươi năm để thu thập răng cá sấu khổng lồ đi hoang trên sông nước miền Tây, cuối đời để lại cho hậu thế cây cưa Ông Năm, được đặt tên theo ông Năm Chèo trong truyền thuyết. Lưỡi cưa sắc bén, cưa cây như cưa bùn.” Ba Túc nói đến đó thì lấy trong túi áo bà ba bốn cây đinh, ba cây đinh nhỏ nhọn vô cùng, một cây to thì đã bị cà cho tà đầu.

Phúc vẫn chưa hiểu gì cả, Ngọc Mỹ lúc này mới đem đến một tấm ván hòm, đặt xuống chân tượng rồi nói với anh ta: “Chú đứng bên này, nội con đóng một búa thì chú đóng một búa. Đây là xin Ngân Đạt lão tiền bối cho chúng ta mượn cưa Ông Năm.” Phúc nhìn xuống, thấy ngoài miếng ván Ngọc Mỹ vừa mang tới, bên dưới còn có bốn năm miếng ván khác, là những lần đi quan thiết trước. Phúc nhận búa, ngồi chồm hổm, đợi Ba Túc khấn gì đó với pho tượng.

Lát sau, Ba Túc ngồi đối diện với Phúc, đặt cây đinh thứ nhất xuống, trước khi đóng không quên nói: “Chú cứ dùng hết sức, chớ nên nương tay, như thế là không thể hiện được lòng thành.” Ba Túc vừa dứt lời, một tay vung búa lên cao bổ xuống đánh “choang” một tiếng, cây đinh lút hết phân nửa. Phúc thấy vậy cũng dùng hết sức bình sinh mà ra búa. Tuy nhiên, cây đinh chỉ lút xuống được chút ít. Ba Túc lại nói: “Mạnh lên nữa đi chú, đàn ông đàn ang gì yếu vậy!”

Phúc tức đỏ mặt, khi Ba Túc vừa đóng xong cây đinh thứ hai, Phúc ta liền cầm búa bằng cả hai tay, vung tay hết mình. Cây đinh vẫn chỉ lút xuống chưa tới hai li. Cây đinh thứ ba cũng không khá hơn là bao. Chỉ mới đóng có ba búa mà Phúc đã thở hổn hển, Ba Túc thấy vậy, bằng ba búa của mình, đóng ba cây đinh ngập vào mảnh gỗ. Cây đinh cuối cùng được Ba Túc lấy ra, khi thấy đầu nhọn đã bị cà cho tà, Phúc liền than khổ, đinh như thế này thì làm sao mà đóng. Ba Túc phì cười, quay cây búa trong không trung trông rất đẹp mắt, đánh xuống một nhát búa như trời giáng. Kỳ lạ thay, cây đinh không lún vào trong gỗ mà lại đứng thẳng, như thế có một thế lực vô hình nào giữ nó lại vậy. Phúc được một phen kinh hãi, khi nhìn lên Ba Túc thấy ông ta ra hiệu thì cũng vung búa mà đóng. Choang.

Cây đinh gãy làm hai mảnh, vừa đứt ra co tròn lại thành hình thù hai chiếc nhẫn.

Ba Túc lấy dây nhợ xỏ qua một chiếc nhẫn, đeo lên cổ Phúc rồi nói: “Đây là giao kèo của chúng ta. Thiết Công lên rừng tìm gỗ đóng quan tài giữ một chiếc, người đặt quan giữ chiếc còn lại làm tín. Tuyệt đối không được tháo ra, khi xong việc thì dây nhợ tự đứt. Tiền quan được định đoạt sau khi đếm mùn cưa. Lục con!”

Trần Lục nghe gọi tên thì dùng một chiếc chiếu hoa quấn lấy cưa Ông Năm, gói lại rất gọn gàng rồi đeo lên vai. Lục ta nói: “Lâu lâu mới được dùng đồ ngon.”

Ngọc Mỹ trách: “Ráng mà giữ cho cẩn thận, không thôi Ngân Đạt lão tiền bối về quật huynh chết không kịp ngáp!” Trần Lục nghe xong thì trề môi.

Ba Túc lúc này vỗ vai Phúc, nói: “Mọi thủ tục đã được chuẩn bị xong. Chú cứ về, nhớ giữ kỹ chiếc nhẫn, thêm vào đó là nhang đèn đều đặn cho lệnh phụ. Ngày mai Thiết Công đến Bảy Núi tìm Còng Chỉ. Nội trong vòng bảy ngày trở về trình báo với Tổ phụ.”

Phần 3: Còng Chỉ


Chuyện kể ngày xưa có một ông lão thợ mộc vì chán chuyện đời mà khăn gối lên rừng ở ẩn, khi đi ông mang theo rìu, dao, quần áo, mùng mền, một ít hạt giống và một chú chó con, ông đặt tên nó là Kiếp. Sau suốt một tuần làm việc quần quật, ông xây tự cho mình một căn nhà nhỏ chỗ triền núi, khung cảnh phía trước là cánh rừng bạt ngàn xanh màu lá, ban đêm nhìn lên trên là một bầu trời đầy sao, tâm hồn của ông dần dần trở nên thanh thản. Ông nhủ thầm, cả đời mình đã chịu nhiều khổ cực, xung quanh thì toàn thị phi, nay lên rừng trồng rau ăn rau, săn được gì thì tự nấu cho mình một bữa thịnh soạn, lại có Kiếp bầu bạn, ông chết cũng nhắm mắt. Nghĩ vậy, ông bèn tìm một thân cây thích hợp để đóng cho mình một cỗ quan tài.

Mỗi ngày ông lão nhắm một hướng mà đi, ông chuẩn bị đủ lương thực để có thể đi từ sáng, trở về lúc trời chập tối, con Kiếp tất nhiên ông dẫn theo sau lưng. Kiếp rất thông minh, lúc thì nó lẽo đẽo chạy thông ông, lúc thì nó bỏ đi đâu đó, nhưng mỗi lần huýt sáo, kêu tên nó là nó sẽ trở lại ngay. Thêm vào đó, Kiếp nhớ đường rất giỏi, ông lão có thể đi lang thang cả ngày, mỗi khi cần quay về chỉ cần nói với Kiếp, nó sẽ dẫn ông về ngay.

Ròng rã lang thang trong rừng suốt một tháng trời, cuối cùng ông cũng tìm được cái cây thích hợp, cây cao năm mươi thước, vỏ cây màu đen, thân cây hai người ôm không hết, cây mọc thẳng băng không một chỗ cong. Ông thợ gỗ suốt đời đã thấy qua biết bao nhiêu loại gỗ nhưng chưa thấy cây nào có hình dạng đẹp hoàn mỹ như vậy.

Nhớ lại lúc con Kiếp đứng sủa chỗ một triền núi, ông vẫn còn cảm thấy rùng mình khi thấy cái cây ấy, nó mọc trơ trọi giữa một bãi đất trống, rừng núi đang xanh lá, cây cối rộng rạp bỗng nhiên dạt ra, xung quanh cái cây kỳ lạ, một ngọn cỏ cũng không mọc nổi. Ông thợ mộc thấy ngộ nhưng nghĩ rằng do cây này đã hút hết chất dinh dưỡng nên không để ý nữa. Ông cởi áo để lại cho con Kiếp nhớ mùi rồi bảo nó dẫn mình về. Ông lão hí hửng vì đã tìm được cái cây ưng ý, vừa đi vừa hát nghêu ngao vang cả núi rừng.

Tối hôm đó ông ngủ thì nằm mơ. Trong mơ, ông thấy một cô gái mặc áo trắng, để tóc xõa ngang vai, khuôn mặt thanh tú, bờ môi ửng đỏ, cô ta đang ngồi bên bờ hồ, phía xa xa chính là cái cây ông lão tìm được lúc chiều. Kỳ lạ ở chỗ, ông lão biết mình đang mơ nhưng cố để tỉnh dậy thì không được, lúc ấy, ông nghe tiếng cô gái: “Mộc công lão gia, hà cớ gì lại muốn đốn cây?”

“Ai vậy?”

“Con tên Uyển Chi. Cây đó không tốt đâu. Ông ơi ông đừng đốn cây mà.”

Ông lão thợ mộc nhổ nước bọt: “Thì ra là cái lũ yêu tinh quỷ quái. Chúng mày làm sao mà thành tiên cho đặng. Nếu là cây quỷ thì lão càng phải đốn, lão chết rồi liệu hồn mà canh quan tài cho lão!”

Cô gái tên Uyển Chi đó quay mặt lại, đôi mắt ngấn lệ, nghe ông lão thợ mộc nói vậy thì nói, giọng buồn bã: “Mộc công, sao ông không nghe con.”

Khung cảnh mờ ảo, huyền diệu của hồ nước thay đổi. Nước lúc nãy có màu xanh ngọc, phản chiếu ánh sáng lân tinh trông như những ngôi sao, mặt nước cứ óng ánh đủ thứ màu sắc đột nhiên biến mất, thay vào đó, mây đen kéo tới rất nhiều, sét vẽ những đường sáng ma quái trên nền trời, nước biến thành màu đỏ. Chiếc áo trắng của Uyển Chi cũng chuyển thành màu đỏ, trông như máu đang thấm từ thân thể cô ra vậy!

Ông lão thợ mộc thất kinh, lúc này lại nghe tiếng động vật kêu gào thảm thiết, quay lại thì thấy con Kiếp đang bị một sinh vật đen lù lù dồn vào một góc. Ông lão kêu tên con chó, nó nghe thì cũng nhìn ngược lại ông, tròng mắt nó co lại rồi uốn thành hình tròn, to như cái đít chén. Đúng lúc này thì ông lão giật mình tỉnh giấc, xung quanh tối om om, ông nhìn xuống chân giường thì thấy con Kiếp đang nằm ngủ say sưa.

Cho rằng mình đi rừng cả ngày đâm ra mệt mỏi, nằm mơ lung tung nên ông lão không để ý đến nữa. Thế nhưng, khi vừa ngả lưng định ngủ tiếp, xung quanh căn nhà vang lên rất nhiều tiếng động hỗn loạn, là tiếng là cây xào xạc như ai đó đu trên cành và rung lên, là tiếng khỉ kêu như cả bầy đang bị chọc tiết, trên trần nhà có âm thanh bịch bịch như có hàng chục đứa con nít đang chạy. Ông lão thợ mộc thất kinh, lúc này lại nghe con Kiếp rên lên ư ử, mắt nó nhắm nghiền, bên trong lại chảy ra rất nhiều chất dịch màu đen. Ông vội lao đến lay nó dậy, nhưng ông không hề biết mình vừa làm gì, con Kiếp bị ông lay thì bật người, lao xuống sàn nhà. Tròng mắt nó biến thành hai cái đít chén như trong giấc mơ, nó nhoài người về phía ông, hai chân sau chổng lên trên, hai chân trước dang ra, cái đầu ngoặc lên nhìn chòng chọc vào ông lão. Nó...lên tiếng: “Ông lão to gan dám đốn cây! Ông lão to gan dám đốn cây! Giết! Vặn cổ! Ta giết!” Lúc này là giờ Tý ba khắc.

Con Kiếp “nói” đến đó thì sủa lên inh ỏi, tiếng động bên ngoài từ nãy đến giờ vẫn chưa dứt, cộng thêm tiếng chó sủa, ông lão làm sao mà giữ được bình tĩnh. Con chó đứng trên hai chân trước, vừa sủa vừa chửi rủa ông lão hết sức thậm tệ, ông không tin được đây là con Kiếp mà lâu nay ông bầu bạn, đồ ngon ông đều cho nó ăn, giường cũng chia sẻ với nó, sao giờ đây nó lại nỡ đối xử với ông như vậy. “Là lũ quỷ!” Suy nghĩ lóe lên trong đầu ông lão thợ mộc, chính chúng đứng sau chuyện này chứ còn ai vào đây, chúng dám nhập vào con chó yêu quý của ông, bắt nó phải chửi chủ nhân mình, làm sao ông lão có thể bỏ qua cho chúng được.

Ông thợ mộc nhảy xuống giường, chụp búa và cưa rồi lao vào rừng, chạy về hướng cái cây ông tìm được lúc chiều, quyết đốn hạ nó trong tối nay. Ông đã sống trên đời hơn bảy chục năm, những thứ ma quỷ này dễ gì làm ông chùn bước, ngược lại, chuyện con Kiếp bị như vậy còn làm ông điên máu hơn gấp bội. Ông rẽ cây rừng, chạy như bay, thoáng cái đã tới chỗ cái cây. Khi bước lên mô đất, ông suýt nữa bật ngửa, chỗ đáng ra là bãi đất trống không có cỏ cây nào mọc được giờ có rất nhiều mả. Mả nào cũng là mả đất, bên trên có một cái cọc, trên đỉnh cọc là một bộ tóc, rất giống với tóc của Uyển Chi mà ông thợ mộc đã gặp trong mơ, tóc ngắn ngang vai, phủ xuống rủ rượi, cái nghĩa địa vốn đã đáng sợ nay lại nhuộm thêm một màu ma quái.

Ông thợ mộc thấy nghĩa địa, ban đầu còn có chút do dự, đột nhiên quay lại thì thấy con Kiếp chạy theo ông tự lúc nào. Tất nhiên là nó chạy bằng hai chân trước, cái đầu vẫn ngoắc lên nhìn vào ông lão, thấy cảnh đó, bao nhiêu do dự trong ông tan biến, ông liền nhắm thẳng cái cây mà xông tới. Lúc chạy qua nghĩa địa, hàng ngàn tiếng hét phụ nữ vang lên, khi ông quay đầu sang nhìn, bộc tóc trên những cái cây cắm ở đỉnh mộ đang xoay mòng mòng rồi bay lên không trung. Ông lão thợ mộc giờ đang chạy giữa một biển tóc quỷ dị, hai tay đột nhiên run rẩy.

Gâu. Gâu. Gâu.

Ông hoảng hốt nhìn về sau, con Kiếp đang chạy theo ông bằng hai chân trước, thế nhưng ánh mắt không còn to tròn như cái đít chén nữa, giống như nó đã kịp lấy lại được ý thức, rượt theo chủ nhân mình, ngăn ông ta làm chuyện hại đến tính mạng. Con chó cứ chạy rồi sủa, sủa rồi chạy, ông lão thấy cảnh đó đôi chân có ý định khựng lại, nhưng khi quay sang nhìn thì biết mình đã quá trễ, cái cây vỏ đen đã ở trước mắt. Con Kiếp sủa ngày một dữ dội.

Ông thợ mộc nghe con chó của mình sủa, thấy tròng mắt của nó cũng biết nó đã trở lại bình thường. Lúc này, ông lại nghĩ, cái cây nằm giữa nghĩa địa như thế này, ông không nên đụng tới. Nhận ra chuyện đó hiện giờ thật là gay go, bao nhiêu dũng khí, quyết tâm đốn hạ cái cây đột nhiên tiêu tan, làm hòm gì chứ, chẳng phải chọn loại cây bình thường là đủ rồi sao. Ông thợ mộc lên rừng để tránh thị phi, tránh đi cuộc sống giành giật, giờ lại tự thấy bản thân mình lao đầu vào chúng, muốn quay trở ra không biết có được hay không. Xung quanh, những bộ tóc bỗng nhiên bay vút lên cao, hợp lại với nhau, quấn lấy nhau, biến thành sinh vật màu đen đã dồn con Kiếp vào góc, y như trong giấc mơ.

Ông lão than khổ trong bụng, phen này bỏ mạng ở đây là cái chắc, chết mà không có hòm để chôn, chết tại nơi có cái cây mà mình muốn đốn. Sinh vật màu đen kia sau khi hợp thể thì bắt đầu mọc tứ chi, phần đầu không có mũi miệng gì cả, chỉ có hai tròng mắt đỏ hoét, lao về phía ông lão với tốc độ chóng mặt. Ông lão vội vàng bỏ chạy, nhưng oái oăm thay, chưa chạy được ba bước đã vấp chân vào một cái mả, té lăng quay. Con quỷ đã ở ngay sát phía sau, giương móng vuốt nhọn hoắt nhắm thẳng ông lão mà đâm. Ông lão lấy tay lên che theo bản năng, trọng bụng biết mình chết chắc.

Phập.

Ông lão nghe tiếng đâm, mở mắt ra thì thấy cô gái tên Uyển Chi đã lao ra cứu mình, bị móng vuốt đâm xuyên qua bụng, máu chảy ra rất nhiều. Ông lão hốt hoảng: “Sao mà… Sao mà…”

Uyển Chi nói: “Mộc công, coi như con trả ông một mạng. Cám ơn ông, có gì ngon ong cũng cho con ăn, còn cho con ngủ ở chỗ rất ấm…”

“Mày là… Mày là… Con Kiếp à? Là mày hả Kiếp?”

Thì ra Uyển Chi chính là Kiếp, hiện về báo mộng cho ông lão tránh xa cái cây ma quỷ, giờ nhận ra thì đã quá trễ. Ông lão kêu gào tên con chó, giờ đang trong hình hài con người, ông thấy nó cười, sau đó chụp hai tay vào thứ vừa đâm xuyên bụng mình kéo mạnh. Con quỷ tóc tuy dữ dội, nhưng bị lực đó kéo thì như muốn tan rã, Uyển Chi la lên một tiếng thất thanh, cả cơ thể phát sáng, kéo theo sau là một tiếng nổ long trời lở đất. Vì quá sáng nên ông lão kéo tay che mắt, khi mở mắt ra thì xung quanh những ngôi mộ đã biến mất, con quỷ tóc cũng không thấy đâu, và cả...Kiếp nữa. Ông lão đứng dậy, vừa huýt sáo vừa gào thét tên con chó, chạy khắp mọi ngóc ngách để tìm nó nhưng không thấy, người bạn duy nhất của ông đã biến mất không một dấu vết.

“Kiếp ơi, đừng bỏ tao! Huýt huýt! Kiếp ơi Kiếp! Mày đâu rồi Kiếp? Huýt huýt! Kiếp!”

Giữa núi rừng bao la, tiếng hét của ông lão át hết mọi âm thanh, thấu cả bảy tầng trời, chín tầng đất. Nhưng con Kiếp đã bỏ mạng mình để cứu ông, làm gì còn nghe mà quay về.

Ông lão dành phần đời của mình để bảo vệ cái cây, như lời của con Kiếp, không cho ai đến đốn. Tiều phu đi rừng gặp ông dọa nạt, cầm búa rượt cũng không ai thèm đụng tới cái cây đó làm gì. Có vài người hiếu kỳ đến hỏi thì ông chỉ thều thào là phải bảo vệ Còng Chỉ, người ta hỏi sao gọi là Còng Chỉ thì ông nói “Uyển” nghĩa là uyển chuyển, như dấu hỏi đặt lên chữ “Chi” thì thành chữ “Chỉ”.

Ngọc Mỹ kể xong câu chuyện thì Trần Lục phụt cười, cô liếc sang nhìn hắn, hắn mới thôi. Trần Lục nói: “Đúng là chuyện bịa mà, làm gì có chuyện chó biến thành người cứu chủ. Nghĩa phụ nói câu công đạo đi!”

Con đường mòn dẫn lên Ngọa Long Sơn được tán cây che rất mát, bên trái nhìn xuống bao la Bảy Núi, bên phải là vách đá. Ba Túc đi đầu, dẫn Trần Lục và Ngọc Mỹ băng rừng từ sáng đến giờ mà chưa tìm thấy địa điểm thích hợp cũng đâm ra cáu gắt, nghe Trần Lục hỏi thì không trả lời. Ngọc Mỹ nói: “Huynh đúng là nông cạn, câu chuyện này ghi trong cuốn sổ của Tổ phụ. Còng Chỉ sau đó thì hấp thu linh hồn của Kiếp, cho nên sau hai trăm năm nó sẽ phát sáng, không thôi thì không bao giờ tìm được nó.”

Trần Lục nói: “Còng Chỉ phát sáng thì huynh tin. Còn câu chuyện của muội thì thôi chắc chỉ là thêu thắt.”

Ngọc Mỹ nói: “Huynh đúng là chỉ biết có tiền và tiền. Không có chút tình cảm, huynh chẳng khác nào cục đá. Kệ huynh!” Nói đến đó thì Mỹ chạy lên đi chung với Ba Túc.

Ba Túc chọn Núi Dài hay Ngọa Long Sơn đều có lý do cả. Đây là trái núi rất dốc, đường đi chỉ là đường mòn, toàn đất đá, cho nên người lên đây rất ít, dễ dàng hành sự. Núi Dài cao năm trăm thước, có nhiều gỗ quý, nếu chọn một địa điểm thật cao trên núi rồi lại leo lên cái cây cao nhất quan sát xung quanh, đến tối Còng Chỉ phát sáng có thể thấy ngay. Hiện giờ, cả ba đã leo gần tới đỉnh, câu chuyện của Ngọc Mỹ kể không dài nhưng do địa hình khó đi, phải dừng lại nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, đu từ cành cây này sang cành cây khác nên thành ra kể hết chuyện mà gần hết buổi sáng.

Cũng phải nói thêm về thân thủ của Thiết Công, những người như Ba Túc tuổi đã cao nhưng những chướng ngại kể trên tuyệt nhiên chẳng thể làm khó được ông. Thiết Công như Ba Túc đã kinh qua biết bao nhiêu hiểm nguy, không rèn giũa bản thân, thiết nghĩ chẳng thể sống được đến ngày hôm nay. Trần Lục và Ngọc Mỹ theo Ba Túc từ nhỏ, tất nhiên chuyện luyện tập ông chẳng thể nào xem thường. Một ngày phải tập võ một tiếng, rèn sức bền một tiếng, đọc kinh thư một tiếng. Hai phần đầu Trần Lục rất thích, riêng chuyện học hỏi thì hắn ta toàn kiếm cớ để trốn, riết rồi Ba Túc cũng chẳng la rầy nữa. Ông cũng thừa biết Trần Lục là dạng dũng mãnh có thừa, nhưng cộc lốc, thực dụng, thế nhưng lúc hiểm nguy có hắn cũng yên tâm nhiều phần. Ông lại có một Ngọc Mỹ hiểu biết cao thâm, hành động chưa một lần làm sai. Hai cánh tay trái phải như vậy, Thiết Công gần đất xa trời như Ba Túc cũng không muốn đòi hỏi gì thêm.

Hai giờ sau, Ba Túc tìm được vị trí ưng ý. Chỗ mỏm đá gần với đỉnh núi có một cây dầu rất to, cao lên hai ba mươi mét thì cành mọc tua tủa như cánh quạt, cành to hơn bắp chân, có thể đứng được. Ba Túc nói mọi người tạm thời nghỉ chân, ăn một ít lương khô, chuẩn bị leo cây, riêng ông thì leo lên tảng đá to trên đỉnh núi, rê thuốc rồi đứng hút trong rất thống khoái. Trời đã về chiều, ánh cam in lên nền mây lóng lánh huyền diệu, Trần Lục và Ngọc Mỹ chuẩn bị một lát đã xong, cả ba ngồi ăn, bàn bạc vài điều, phân công công việc. Ba Túc sẽ nhìn về hướng Đông và hướng Nam, Ngọc Mỹ nhìn hướng Tây, Trần Lục nhìn hướng Bắc. Còng Chỉ phát sáng trong đêm cơ bản không phải khó thấy, nhưng thời gian phát sáng rất ngắn, bỏ lỡ thì coi như chuyến này công cốc. Ba Túc rất kỹ lưỡng, lại không muốn mất mặt cho nên căn dặn có nhiêu đó thôi nhưng mất gần nửa canh giờ mới xong.

Cắt đặt mọi thứ xong, không quên giấu đồ vào một bụi cây, cả ba cùng leo lên cây dầu, chuyện này nói lâu cũng không lâu, mau cũng không mau. Ba người thân thủ như sóc, loáng một cái đã leo lên trên, nhưng vì phần cành mọc ra tua tủa, có vài cành còn đâm xuống dưới tạo thành một hàng rào ngăn chặn cả bọn, phải chật vật chặt chúng ra thì mới đứng được thoải mái. Điều này rất kỳ lạ, cành cây mọc như vậy Ba Túc mới thấy lần đầu, Trần Lục nói: “Ngọa Long Sơn tương truyền ngày xưa có nhóm thầy pháp luyện leo lên đỉnh núi luyện tà ma ngoại đạo rồi bị vật, hóa thành quỷ. Có một vị đạo sĩ đã thu phục họ rồi nặn thành tượng, có thể hình thù của cái cây này kỳ lạ như vậy là do nguyên do đó.”

Ngọc Mỹ nói: “Huynh lại nói gở. Vào rừng tuyệt đối không được nhắc quỷ, giống như đóng hòm không được nhắc ma. Hai thế giới tách biệt thì nên để nó tách biệt, cố tình quấy nhiễu làm chi?”

Ba Túc nói: “Thôi hai đứa, suốt ngày cãi nhau. Thằng Lục nhớ lời không, nhìn về hướng Bắc, con Mỹ hướng hướng Tây. Nhanh lên!”

Hai đứa Lục Mỹ lườm nhau thêm một cái rồi mỗi người nhìn một hướng. Lúc này là giờ Tuất.

- o -

Triền Núi Dài, trời vừa sập tối, thằng nhóc leo từ trưa đến giờ mới gần đến đỉnh núi, nhìn nó nhỏ người, khuôn mặt thông minh, chân mày dày, xếch lên đầy kiêu hãnh. Thằng nhóc đang mang trong người nhiệm vụ của gia tộc, nó tuy vẫn làm nhưng chẳng hứng thú cho lắm, nó rất ghét nhiệm vụ. Thằng nhóc ngồi nghỉ, lấy lương khô ra ăn, phóng cặp mắt sắc lẻm lên đỉnh núi, nó không chớp mắt, mục tiêu đã ở rất gần, nó có thể ngửi thấy mùi âm khí nồng nặc. Uống vội ngụm nước, nó đứng dậy, phía trước có một cái vực khá sâu, từ bờ bên đây nhảy sang chắc cũng khoảng năm thước. Thằng nhóc không chút nao núng, nó nhún nhẹ một cái, thân hình nhẹ như sợi lông, thoắt cái đã qua bờ bên kia.

Sau rặng cây, thằng nhóc đã thấy cây dầu.

- o -

Giờ Hợi ba khắc, mắt Trần Lục nheo lại, tập trung nhìn về hướng Bắc của mình, đã năm giờ đồng hồ nhưng hắn vẫn chưa thấy cây Còng Chỉ. Hắn mang vẻ mặt bực bội quay sang nhìn Ngọc Mỹ thì thấy cô chẳng thèm nhìn lại. Đột nhiên, phía sau, tiếng Ba Túc hét lên làm hai người giật mình. Lúc này, cả cây dầu rung lắc dữ dội, những nhánh cây đâm xuống lúc cả ba leo lên đã bị chặt những chẳng hiểu vì nguyên do gì lại mọc ra rất nhanh, như thể cây dầu là một sinh vật sống và nó đang hồi phục vậy. Ba Túc bị một trong những cái nhánh cây này quấn vào chân, khi nãy loạng choạng suýt ngã xuống đất nên ông la lên chứ chẳng phải là sợ hãi gì.

Trần Lục nói: “Mẹ nó, cái giống quỷ gì đây. Nghĩa phụ, có sao không ạ?”

Ba Túc hét: “Tao không sao. Nhưng hình như con nói đúng, chúng ta hình như chọn nhầm cây rồi… Bây giờ…”

Ba Túc chưa kịp nói hết câu, từ bên trên vang lên tiếng hét như hàng chục con heo bị chọc tiết, lá cây dầu khá dày đặc, cộng với trời đang đêm cho nên cứ tối om om. Đột nhiên, hai con mắt to đùng, đỏ ối thoắt ẩn thoắt hiện trong đám lá đó, Trần Lục một phen thất kinh, đang đứng trên nhánh cây như thế này mà còn gặp quỷ đúng là làm khó nhau mà. Ngọc Mỹ nói: “Là Mộc Quỷ!”

Mộc Quỷ đúng như tên của chúng, là lũ quỷ sống trên cây, ban ngày ẩn giữa những tán lá, ban đêm lại xuất hiện để săn mồi. Hôm nay Ba Túc vì khá gấp gáp nên chọn nhầm ngay nơi ẩn náu của nó. Ba Túc hét lên: “Leo xuống!”

Trần Lục nói: “Còn nghĩa phụ?!”

Ba Túc không biết phải trả lời như thế nào, ở lại thì nguy hiểm, leo xuống thì không thể nào thấy được Còng Chỉ nếu nó phát sáng. Cân đo đong đếm giữa hai việc, giữ được cái mạng vẫn là tốt hơn. Ba Túc liền bảo Trần Lục và Ngọc Mỹ mau mau leo xuống, còn mình sẽ xuống ngay sau lưng. Ai ngờ, người tính không bằng trời tính, Ngọc Mỹ leo trước, Trần Lục leo sau, khi Ba Túc vừa bám vào thân cây, đám nhánh cây lúc nãy chợt siết chặt chân ông ta hơn. Ba Túc quay lại, bàng hoàng phát hiện chúng thật ra là một phần cánh tay của con Mộc Quỷ và nó đang nắm chân ông ta. Ba Túc quát: “Con mẹ mày, hôm nay nhất định phải phá chuyện làm ăn của thằng Túc này mới đặng à?”

Vừa dứt câu, từ trong đám lá, hai ánh mắt đỏ ối đang ẩn nấp bỗng nhiên động đậy, nó tiến gần hơn, rồi gần hơn nữa, xuất hiện trước mắt ba người lúc này là một thân hình gầy còm, cơ thể của nó làm từ vỏ cây, bộ răng nham nhở chiếc trắng, chiếc vàng, đang hướng về phía đám Thiết Công mà “khè khè” hết sức chối tai.

Phần 4:Động quan tài treo


Con quỷ lao đến với tốc độ rất nhanh, tứ chi nó bám vào thân cây, nhảy từ cành này sang cành khác hết sức linh hoạt, di chuyển không có động tác thừa, cây này là nhà của nó nên điều đó không có gì khó hiểu. Ba Túc bị đám rễ cây quấn vào chân, nhất thời không thoát ra được trong khi con quỷ đang tiến đến sát bên. Ba Túc chậc lưỡi, muốn tìm chỗ yên ổn tìm Còng Chỉ cũng không được, biết rằng Thất Sơn u linh có biết bao nhiêu loài quỷ quái, đâu ngờ hôm nay lại rơi vào hang ổ của một con như vậy, đúng là xui xẻo mà. Con quỷ chỉ còn cách Ba Túc chừng năm thước, ông mặc dù chửi thầm trong bụng nhưng không phải là không có cách ứng phó, ông móc ra một rê thuốc, trút hết lá thuốc bên trong rồi châm lửa, con quỷ vừa lao đến thì động tác xoay người hết sức uyển chuyển, ấn mảnh giấy đang cháy phừng phực vào trán nó.

Mộc Quỷ không phải là quỷ sống, nó được sinh ra nhờ hấp thụ âm khí của động vật chết trong vòng nhiều năm rồi sau đó gặp biến cố. Xác động vật thường chứa rất nhiều dưỡng chất cho cây, thế nhưng không phải cái gì nhiều cũng là tốt, trải qua hàng chục năm, hàng trăm năm nếu cây không bị đốn thì nhựa cây dần dần sẽ biến thành Mộc Huyết. Mộc Huyết hai mươi năm có màu xanh lục, năm mươi năm chuyển thành đỏ, bảy mươi năm thành xanh dương, hơn một trăm năm thì có màu đen. Mộc huyết lưu thông trong thân cây, càng hấp thụ nhiều âm khí từ xác động vật thì càng hôi tanh, biến cố kể trên xảy ra khi mộc huyết hấp thụ được âm khí từ xác người, từ đó sẽ sinh ra Mộc Quỷ. Mộc Quỷ cũng là cây cho nên gặp lửa thì kỵ, Ba Túc vừa ra đòn làm con quỷ kêu lên re ré, nhảy sang thân cây đối diện cách ông khoảng mười thước, từ hai bàn tay bắt đầu mọc ra móng vuốt rất nhọn.

“Nghĩa phụ!” Là giọng của Trần Lục, hắn ta thấy nghĩa phụ của mình gặp nguy thì tức tốc leo xuống bên dưới để lấy rìu rồi leo ngược lên trên tiếp cứu. Trần Lục đu người rất nhanh, tiếp cận Ba Túc, vung rìu cắt những nhánh cây đang quấn quanh chân ông, bên trong mộc huyết màu đen chảy ra rất nhiều, bốc mùi tanh hôi kinh tởm.

“Nhanh lên!” Ba Túc giục Trần Lục khi thấy con Mộc Quỷ đã thủ thế, chuẩn bị lao đến đâm chết hai người.

Trần Lục hì hục chặt, rất nhiều rễ cây bám lấy chân Ba Túc, nhất thời không thể nói nhanh là nhanh được. Ở đằng sau chợt vang lên tiếng động sột soạt, là con Mộc Quỷ, nó thấy Lục ta thì có chút dè chừng cây búa Lục đang cầm, nhưng chỉ trong phút chốc, nó đã bắt trớn. Trần Lục quay lại nhìn rồi ngước mặt lên nói với Ba Túc: “Nghĩa phụ đừng lo, sư muội lên đến rồi!”

Quả vậy, Trần Lục vừa dứt lời thì một cơ thể phóng vụt lên, thân thủ nhẹ nhàng uyển chuyển, là Ngọc Mỹ. Tay cô kẹp theo ba mảnh giấy, cô đứng chắn trước Trần Lục và Ba Túc, Lục vẫn đang cặm cụi chặt đám rễ cây, cô nhìn Ba Túc rồi nói: “Nội ơi, cho con mượn Tùy Vũ.”

Tùy Vũ là cây bút vẽ bùa được truyền lại từ trưởng tộc đời trước, chủ nhân hiện tại của nó chính là Ba Túc, đuôi bút chính là lông đuôi của một loài cò trong truyền thuyết mang tên Cò Trắng. Tương truyền ngày xưa Tổ phụ của Thiết Công gặp được kỳ ngộ, đang đi trên cánh đồng bỗng nhiên gặp một chú cò con bị rơi xuống ruộng, ướt hết cả lông cánh đang nằm thoi thớp. Tổ phụ đem nó về nhà, sưởi ấm cho nó rồi con cho nó ăn, tối hôm đó ông nhường chiếc chăn duy nhất trong nhà cho nó. Sáng hôm sau, ông thức dậy thì thấy nó đã tung chăn bay đi mất, ông cũng chẳng để ý, tiếp tục công việc thường nhật. Đến chiều, khi đang cuốc đất ngoài đồng thì ông nghe tiếng kêu trên cành cây, ngước lên nhìn, ông thấy con cò mình cứu đang đậu trên đó, miệng nó ngậm theo một sợi lông vũ. Nó bay xuống đậu trên vai ông, nhả sợi lông cho ông, nó cúi đầu như nói lời cảm tạ rồi bay đi. Thiết Quan Tổ phụ thấy làm lạ, sờ vào lông thấy nó rất cứng cáp, chấm thử vào mực viết thì đuôi lông phát sáng, từ đó làm vật gia truyền, đặt tên là Tùy Vũ, “Tùy” mang ý nghĩa “đồ tặng cho người sống, viết chữ cho người chết”.

Tùy Vũ là bút dùng để viết khẩu quyết của Thiết Công, có tổng cộng chín mươi sáu khẩu quyết, tùy trường hợp, Thiết Công viết chữ lên giấy đã yểm bùa rồi dán lên những chỗ khác nhau thì sẽ có công dụng khác nhau. Ba Túc lấy Tùy Vũ trong túi áo bà ba rồi ném cho Ngọc Mỹ, Mỹ nhận bút, ba tờ giấy đã kẹp sẵn liền viết lên ba chữ “Nhược”. Con Mộc Quỷ hết sức hung hãn, thấy nữ nhi không một tất sắc đứng trước mình thì nộ khí xung thiên, dùng tứ chi bám vào nhánh cây rồi lao đến, thoáng cái đã tiếp cận được Ngọc Mỹ, định một đòn tất sát. Thế nhưng, nó đã quá xem thường đối thủ của mình, Ngọc Mỹ lách sang bên trái, né cú vồ hết sức gọn gàng, cánh tay nhanh như chớp dán ba lá bùa chữ “Nhược” và trán, cổ và bụng của con Mộc Quỷ.

Con quỷ chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì chưởng của Ngọc Mỹ đã đến ngay sát bên, một chưởng vào cổ làm nó ngắc ngư, một chưởng vào trán làm nó choáng váng, một chưởng vào bụng khiến nó bị đánh bay về sau năm thước, tưởng chừng như sẽ rơi xuống dưới. Ai ngờ, con quỷ này cũng khá lợi hại, hai cánh tay dài ra bám được vào một cành cây rồi đu lên trên, bị Ngọc Mỹ đánh như vậy cũng bắt đầu đề phòng, bò xung quanh chực chờ cơ hội. Lúc này, Trần Lục đã chặt xong cái rễ cây cuối cùng, vì chúng bám quanh chân Ba Túc, phải cẩn thận nên chặt khá lâu. Ba Túc nhìn xuống con quỷ, nói: “Trên đây là địa bàn của nó, ở lại không ổn. Mỹ, đưa cho nội Tùy Vũ, hai đứa chuẩn bị, có tính hiệu thì leo xuống ngay tức khắc nghe.”

Cả hai nghe vậy thì “Dạ!” một tiếng, Ngọc Mỹ đưa cho Ba Túc Tùy Vũ, ông lấy ra bốn miếng vải liệm, lần lượt viết lên mỗi mảnh một chữ: Thủy - Hỏa - Thiết - Trùng, đoạn lấy ra búa và đục, thân thủ rất nhanh trèo xung quanh thân cây, đục bốn lỗ ở bốn hướng rồi nhét bùa vào trong. Con Mộc Quỷ lúc này tưởng ba người mất cảnh giác, nó ré lên một tràng nghe sởn cả gai ốc rồi lao lên tấn công. Ba Túc nói: “Tránh ra!”, lúc ấy con Mộc Quỷ đâm xuyên ngang đội hình ba người, ba Túc thấy cơ hội thì hô lên “Kết!” một tiếng, nhất loạt bốn mảnh vải liệm lúc nãy phát ra ánh sáng màu xanh lục, những đường sáng liên kết với nhau tạo thành một vòng tròn bao quanh thân cây. Ba Túc giục hai đứa con mình leo xuống, con Mộc Quỷ tấn công trượt thì nổi máu, rượt theo. Tuy nhiên khi vừa chạm vào vòng tròn màu xanh, tay nó như bị lửa thiêu đốt, nó kêu lên đầy tuyệt vọng, không vượt qua được!

Trần Lục hỏi: “Nghĩa phụ vừa làm gì vậy?”

Ba Túc nói: “Thủy làm gỗ mục, Hỏa làm gỗ cháy, Thiết làm gỗ đứt, Trùng làm gỗ rã. Bốn thứ đó như một nhà tù nhốt con Mộc Quỷ, cứ để nó ở trên cây như vậy âu cũng là điều tốt. Thiết Quan chúng ta không phải là thầy pháp, không diệt được nhưng trừ được cũng là tích đức cho đời sau. Các con phải ghi nhớ.”

Ngọc Mỹ nói: “Mà nội ơi, nãy giờ con để ý, không thấy dấu hiệu của Còng Chỉ. Có khi nào đã có người đến trước ta?”

Ba Túc bảo không thể có chuyện đó được, ông cũng có để ý rằng Còng Chỉ chưa thấy xuất hiện, nhưng theo tính toán thì đêm nó xuất hiện chính là hôm nay, nếu chưa thấy có nghĩa là chưa đến giờ mà thôi. Trần Lục nghe xong thì bảo: “Chẳng lẽ lại leo lên cao sao nghĩa phụ? Con thấy Thất Sơn ma quỷ như thiên la địa võng, con Mộc Quỷ phía trên không hẳn là do xui xẻo mà ra, có khi cây nào cũng có Mộc Quỷ cũng không chừng!”

Ba Túc nghe thấy Trần Lục nói cũng có lý, ông trầm ngâm một hồi cũng không tìm được cách khác, thời gian lúc này còn quý hơn vàng, lỡ như Còng Chỉ phát sáng mà không thấy được là từ đâu thì phải mang nỗi ô nhục về cho Tổ phụ. Ông lia mắt một vòng, dừng lại chỗ tảng đá lúc chiều mình đứng hút thuốc, ông nhớ lại tầm nhìn không được rộng khi ở trên hai mươi thước cây dầu nhưng cũng khá bao quát, hiện giờ chỉ còn cách đó là khả thi nhất. Vừa định mở miệng sai hai đứa cháu chuẩn bị đồ, bỗng đâu vang lên rất nhiều tiếng kêu re ré. Rừng khuya tịch mịch, dưới chân chỉ có đống lửa trại nhỏ xíu vừa đủ soi sáng vài ba thước xung quanh, tứ bề đều là bóng đêm bao phủ, trong bóng đêm lại thấy hàng chục cặp mắt đỏ đang nhìn chòng chọc về hướng của ba người Ba Túc, Trần Lục và Ngọc Mỹ. Trần Lục than trời: “Mẹ nó! Làm sao mà lại dính vào ổ phục kích thế này?!”

Ngọc Mỹ quát: “Không được nao núng. Nội thế nào cũng có cách!”

Ba Túc chậc lưỡi, cách tất nhiên là có, nhưng bị phục kích thế này đánh tới chừng nào mới xong, có khi đến sáng, đánh xong khăn gối đi về khỏi tìm cây gì cả. Còn chưa kịp nghĩ nhiều, từ trong những bụi cây, một bóng đen xoẹt ngang, đứng trước mặt ba người lúc này là một hình hài cao kều, kích thước so với con Mộc Quỷ trên cây dầu chắc phải to hơn bốn năm lần, và con này còn nói được tiếng người, mặc dù đơn đớt, giọng lúc trầm, lúc bổng, lúc nặng, lúc nhẹ, rất khó nghe: “Lũ con người bẩn thỉu. Hôm nay lạ cả gan vào đây ăn hiếp con ta…!”

Trần Lục nhổ nước bọt, nói: “Giống yêu ma quỷ quái chúng mày sinh ra chỉ để hại người. Còn giở giọng điệu cuồng ngôn. Xem búa!”

Trần Lục vừa nói xong, một tay cầm rìu, một tay cầm hòn đá ném về phía con Mộc Quỷ chúa. Nó bị đá ném trúng mặt thì ré lên rất kinh khủng, định vồ Trần Lục, nhưng khi vừa vung tay thì không thấy hắn đâu. Từ bên trên bỗng nghe tiếng hét: “Nhìn đi đâu vậy?” Là Trần Lục, hắn đã bật lên tự lúc nào, búa trong tay, sức lực bình sinh đều dồn hết vào chiêu này, nhấm thẳng đầu con Mộc Quỷ mà bổ xuống. Cứ tưởng sẽ lấy đầu được con quái, chiêu thức vừa tung ra lại bị nó bắt rất gọn, cánh tay gầy guộc toàn rễ cây ôm lấy cán búa, Trần Lục bị tóm treo lơ lửng trong không trung, khua chân tung cước nhưng vô ích.

Ngọc Mỹ đứng dưới quát: “Buông búa ra!”

Trần Lục nghe theo, trong lúc rơi xuống thì bị con Mộc Quỷ vung tay ra đánh, Lục cũng giơ tay lên đỡ, bị lực tác động đánh văng về chỗ Ba Túc và Ngọc Mỹ đang đứng, ho lên sặc sụa. Ba Túc mắng: “Không được làm càn!”

Ba Túc mặt dù quát nhưng thấy Trần Lục như vậy cũng xót, vả lại bị bao vây như thế này đúng là tiến thoái lưỡng nan mà. Chưa kịp nghĩ thêm gì khác đã nghe tiếng con Mộc Quỷ: “Giết hết!”

Những cặp mặt trốn trong các bụi cây xung quanh bỗng lắc lư, lũ quỷ đã bắt đầu di chuyển. Ba Túc thấy vậy thì hét: “Đứng đâu lưng vào nhau, không được vỡ đội hình, lên bao nhiêu đánh bấy nhiêu.” Nói đoạn, ông lấy ra rất nhiều vải liệm, giấy vẽ bùa, tay cầm Tùy Vũ liên tục vẽ chữ. Ngọc Mỹ suy nghĩ trong bụng đúng là lên thì đánh nhưng chẳng thể nào giết hết được chúng, chuyến đi lần này coi như đi tong rồi.

Đúng lúc đó, từ phía sau có tiếng hét.

Thằng nhóc không biết từ đâu xuất hiện, khi lướt ngang hai con Mộc Quỷ ở phía ngoài vòng vây, hai cánh tay phát ra ánh sáng màu xanh lơ rất đẹp mắt, mỗi tay ra một đòn, hai con quỷ như bị lửa thiêu đốt, tan ra thành tro, vẫn còn nghe tiếng chúng ré lên hết sức chối tai. Con Mộc Quỷ chúa thấy đám con của mình bị giết hết sức gọn gàng thì càng điên tiết, nhắm thẳng hướng thằng nhóc mà ra đòn, cánh tay nó mọc ra rất nhiều gai nhọn, bắn liên hồi, thế nhưng, thằng nhóc né tránh như không. Con Mộc Quỷ không dừng lại, nó há cái miệng ra to như cái giếng, nhoài người về trước đớp vào vị trí thằng nhóc đứng, thằng nhóc nhảy lên, chân đạp lên đầu còn quỷ. Ánh mắt của thằng nhóc không hề biểu hiện cảm xúc, lạnh lùng đến đáng sợ, tựa như chuyện này nó đã làm quá nhiều lần. Thằng nhóc vung tay, miệng đọc lầm rầm những câu bằng thứ ngôn ngữ gì rất khó nghe, lúc ấy lòng bàn tay nó xuất hiện những đường chỉ đen. Thằng nhóc nhấn bàn tay vào đầu con quỷ, những đường chỉ đen này bắt đầu cuồn cuộn, chốc sau bao quanh con Mộc Quỷ là hình hài của một con quỷ khác, màu đen, tai nhọn, lưỡi dài, trông như...Dạ Xoa.

Dạ Xoa quấn lấy Mộc Quỷ làm nó rên lên thảm thiết rồi bị nuốt chửng. Lũ tiểu quỷ xung quanh thấy chúa tể của mình bị diệt thì quay lưng bỏ chạy. Thằng nhóc bật nhẹ một cái đã ở trên không trung ba bốn thước, nó nói, nghe giống như đang thều thào: “Chạy mà thoát à!” Đoạn, thằng nhóc bắt chéo hai tay trước ngực, từ trong cùm tay bỗng phát ra ánh sáng rất mạnh, như có mặt trời trên núi. Ba người Ba Túc, Trần Lục và Ngọc Mỹ lấy tay che mắt, nghe hàng loạt tiếng hét của quỷ, cảm giác như họ đang ở dưới chín tầng âm phủ chứ không phải dương gian nữa. Được vài giây thì tiếng hét nín bắt, thằng nhóc ánh mắt sắc lẻm nhìn vào ba người kia, hỏi: “Các người là ai vậy? Điệu bộ không sợ sệt, đêm hôm khuya khoắt lại xuất hiện ở đây, mang theo mấy dụng cụ kỳ lạ, chắc không phải là người bình thường?!”

Trần Lục nói: “Còn mày là thằng nào? Là người hay là ma?”

Thằng nhóc nói: “Người hay ma? Sao anh hai không tới đây mà xem thử?”

Thằng nhóc chấp một tay sau lưng, tay còn lại ngoắc ngoắc, khiêu khích Trần Lục khiến Lục ta như nổi máu điên. Ba Túc thấy vậy thì giơ tay ra can, ông tiến đến bên thằng nhóc, khuỵu gối, để cho ánh mắt ông bằng với ánh mắt nó, ông thả lỏng khuôn mặt, không giữ cái chất dữ dằn hàng ngày nữa, ân cần hỏi: “Cháu bé, võ công đúng là cái thế, xứng đáng làm bậc hảo hán. Ông tên Lương Minh Túc, ở nhà thứ ba nên người ta kêu là Ba Túc. Cháu bé tên gì?”

Thằng nhóc nghe lời khen thì hỏng cả mũi, thấy Ba Túc khuôn mặt hiền từ, không phải kẻ gian thì rút tay lại, lễ phép thưa: “Dạ, con họ Võ, tên là Tiếu Thiên.”

Phía sau nghe tiếng Ngọc Mỹ: “Nhìn chắc chỉ khoảng mười hai, mười ba. Đúng là tuổi trẻ tài cao. Bé con, sư phụ của em là ai? Em làm gì ở đây?”

Tiếu Thiên nghe hỏi đến sư phụ của mình thì ánh mắt lộ rõ vè dè chừng, nó ấp úng nói: “Em… Sư phụ của em… em không nói tên được. Em lên đây là để…”

Tiếu Thiên chưa kịp nói hết câu, mặt đất bỗng rung chuyển dữ dội, hai ba giây sau thì nó sụp xuống, bốn người ở bên trên cũng không tránh được mà rơi xuống theo. Chỗ rơi xuống là một cái hố to hình tròn, đường kính khoảng mười thước, không hiểu vì sao mà lại có điểm trũng như vậy nhưng theo kinh nghiệm của Ba Túc thì đây là một căn phòng mái vòm, trải qua biến thiên của địa hình mà bị đất đá che lấp. Việc nóc phòng bị sụp có thể giải thích là do lúc nãy bên trên có quá nhiều người (và quỷ nữa) xuất hiện cùng một lúc, lại đánh nhau ì đùng nên lớp đá cũ kỹ bị nứt ra, một viên bị rơi xuống, rồi hai viên, ba biên, và cả trần nhà. Việc này giống như chuyện vỡ đập nước vậy. Trần Lục than đau, ngồi dậy nhìn lên phía trên, độ cao của phòng chắc chỉ khoảng bảy tám thước, có thể leo lên được.

Xoẹt. Là tiếng đánh lửa, căn phòng bừng sáng. Thì ra là Ba Túc, nãy giờ ông đã loay hoay chuẩn bị đuốc, nhìn quanh rồi nói: “Lục, đi kiếm cái giỏ đồ đi con, rồi mình leo lên.”

Tiếu Thiên lắc đầu nói: “E rằng không được đâu bác Ba ơi. Bác nhìn xung quanh mà xem.”

Ba Túc từ nãy đến giờ chỉ lo chuyện giỏ đồ nghề của mình mà chưa bao quát được gì cả, nghe Tiếu Thiên nói thì lia đuốc soi xung quanh, cả bọn được một phen kinh hãi. Căn phòng hình tròn, chính giữa là một bệ đá, trên bệ đá có một cái đầu lâu, bốn bề treo dày đặc quan tài. Các quan tài này cũng được đóng theo kiểu tròn, suông như thân cây chuối, không biết đã qua bao nhiêu năm nhưng chất liệu còn rất mới, chúng được cố định lên tường bằng những sợi dây xích rỉ sét. Ba Túc nói: “Táng treo của người Cáp Lị à…?”

Tiếu Thiên tròn mắt hỏi: “Bác Ba cũng biết táng treo hả?”

Trần Lục hỏi táng treo là thứ gì, Ba Túc gõ đầu thằng con không bao giờ chịu đọc sách để mở mang kiến thức rồi mới giải thích. Không giống như thời hiện tại, người chết thì đem chôn xuống đất hoặc đem đi hỏa thiêu, người xưa có rất nhiều cách mai táng khác nhau, tùy theo đức tin của họ mà hình thành muôn hình vạn trạng kiểu “chôn” người sau khi chết. Trong quyển Thập Đại Táng của Quan Thiết có ghi đến mười cách táng xác, thu thập từ nhiều nền văn minh khác nhau, trong đó gồm có táng chôn, táng thiêu, táng ngâm, táng ướp, táng tháp, táng đứng, táng phơi, táng xẻo, táng trôi và táng treo. Táng chôn và táng thiêu khá phổ biến, không cần nói nhiều; táng ngâm là ngâm xác người chết trong dung dịch đặc chế; táng ướp là quấn xác người chết bằng vải đã ủ nước bảo quản; táng tháp là đặt quan tài người chết trong tháp cao; táng đứng là đặt xác người chết trong quan tài dựng đứng, nghĩa địa cũng chỉ toàn quan tài đứng; táng phơi là phơi xác người chết trong nhà, số ngày phơi bằng số tuổi; táng xẻo là xẻo thịt người chết rồi rải khắp nơi cho động vật ăn thịt; táng trôi là đặt xác người chết lên bè, đến giữa sông thì dùng tên tẩm nhựa thông, châm lửa rồi bắn; táng treo chính là căn phòng hiện tại.

Vương quốc Phù Nam ngày xưa có rất nhiều thành nhỏ, mỗi thành lại có vua riêng, họ cai trị thần dân của mình theo cách của họ, khác biệt về văn hóa cũng không phải là nhỏ. Cáp Lị Thành là một trong số rất nhiều thành nhỏ ấy. Vị vua đầu tiên của Cáp Lị Thành tên là Kha Bà Đang có quan niệm khá mới lạ về cái chết, ông cho rằng người chết về với đất nghĩa là đang giam cầm linh hồn của họ, không cho họ về với đức Phật. Ông chủ trương treo quan tài lên giống như một cách tiễn đưa người chết một đoạn, người có tước vị càng lớn thì được treo càng cao. Căn phòng này chính xác là nghĩa địa của người Cáp Lị, tầng trên cùng là vua chúa, danh gia vọng tộc, những người có chức tước cao hoặc công đức lớn cho vương quốc, càng xuống dưới thì lần lượt là vương hầu, tướng lĩnh, quan lại rồi mới đến dân đen.

Trần Lục nghe giải thích thì tỏ vẻ không để tâm cho lắm, hắn đã lấy dây thừng, chuẩn bị ném lên trên. Tiếu Thiên thấy vậy thì lập tức lao đến, giơ tay định giật sợi dây từ tay Trần Lục, ai ngờ Lục xoay người rất gọn, Tiếu Thiên mất đà suýt ngã. Trần Lục chỉ vào thằng nhóc nói: “Nhóc con, lúc nãy đánh ghê đấy, nhưng võ nghệ thì gọi anh một tiếng sư tổ, anh dạy lại cho mày!”

Tiếu Thiên nói: “Anh định làm cái gì vậy? Anh ném dây lên đánh động “chúng” rồi sao?”

Ngọc Mỹ chen vào: “Đánh động? Chẳng lẽ ở đây có...?”

Ba Túc thở dài, nói: “Đúng là phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Còng Chỉ vẫn chưa biết tung tích mà lại leo lên không được, không phải vì sợ thứ mà cháu bé này nói, mà là Thiết Công chúng ta hành sự phải có phép tắc. Nếu muốn leo lên thì phải đạp lên quan tài mà leo, như thế lại đi ngược lại với tôn chỉ bao đời của Tổ phụ đã đặt ra.”

Trần Lục nói: “Vậy còn Còng Chỉ, chẳng lẽ bỏ về sao nghĩa phụ?”

“Mày đừng có lo, vẫn còn Sửu Anh trên kia. Mình tìm đường lên trên trước rồi bắn pháo hiệu gọi nó.”

Tiếu Thiên lúc này liên đi đến chỗ bệ đá ở giữa căn phòng xem xét gì đó, lát sau thì kêu lên, bảo mọi người đến mà coi. Ba Túc vừa bước tới thì thấy có một cầu thang dẫn xuống, bên dưới tối om, sâu hun hút. Tiếu Thiên nhìn Ba Túc rồi nói: “Dạ ông ơi, gia tộc con có câu “gặp hiểm nguy, đi xuống là đi lên”. Nếu chúng ta xuống dưới con nghĩ sẽ có di chỉ của Cáp Lị thành, lần mò đường sẽ có lối dẫn ra ngoài.”

Trần Lục liền nói: “Có ai mà lại đi nói điều xằng bậy vậy không? Mà mày nói mày có gia tộc, chắc thân phận không phải tầm thường. Sao không nói thẳng ra luôn cho rồi mà cứ úp úp mở mở chi vậy?”

Ngọc Mỹ bảo: “Huynh đừng có chọc em nó nữa.” Đoạn quay sang nói với Tiếu Thiên: “Em có chắc không, chị thấy lối đi sâu hun hút, không biết có thứ yêu ma quỷ quái gì chờ đợi bên dưới nữa. Hay mình tìm xung quanh, lỡ đâu có lối đi khác thì sao?”

Tiếu Thiên cười nắc nẻ, bảo: “Chị gái xinh đẹp này nói chuyện dễ thương quá, không như cái anh cục đất bên kia. Em cũng từng gặp trường hợp này rồi, mọi người cứ tin em. Võ gia sống một đời minh bạch, không bao giờ lừa gạt ai bao giờ, xuống dưới có ma diệt ma, có quỷ đánh quỷ, mọi người đừng lo, có Tiếu Thiên này ở đây, không con ma con quỷ nào dám đụng tới mọi người đâu.”

Trần Lục cười châm chọc, Ba Túc suy ngẫm rất lâu, ánh mắt nhìn vào Tiếu Thiên rất kỳ lạ, ông cảm thấy cậu bé này thật thú vị. Được một lúc thì ông nói: “Khẩu khí hay lắm. Bác Ba đi với con xuống dưới!”

Tiền Thiên cười hê hê, nhìn vừa ngây thơ lại pha lẫn chút ngạo nghễ. Cầu thang dẫn xuống dưới rộng khoảng hai người đi, Ba Túc cầm đuốc dẫn đầu, Trần Lục tuy khó chịu ra mặt nhưng vẫn cầm đuốc đi sau cùng, trông chừng cho mọi người. Đi khoảng hai ba phút lại đến một gian điện rất lớn, Ba Túc nói cả ba đứng đợi trong khi mình thì cầm đuốc đi đầu. Vừa đi được năm sáu bước thì ông phải hốt hoảng nhảy lùi về sau, tưởng rằng đã thoát khỏi “nghĩa địa” của người Cáp Lị trên kia, ai ngờ xuống đây lại thấy rất nhiều quan tài nữa. Quan tài được chôn phân nửa dưới đất, phân nửa thì lộ ra ngoài, nghiêng khoảng hai ba mươi độ. Chưa biết phải phản ứng như thế nào thì tiếng động lách cách vang vọng khắp gian điện, cửa cỗ quan tài gần chỗ Ba Túc đứng từ từ hé mở.

Phần 5: Quỷ Cõng Hòm

Tiếng gỗ đã cũ vang lên ken két trong không gian chút sáng nhiều tối, gió lạnh lấp đầy như đang đứng trước quỷ môn quan, ba người bọn Trần Lục, Ngọc Mỹ và Tiếu Thiên ai nấy đều gọi Ba Túc về, ông đang đứng cạnh cái quan tài, chuyện ấy chỉ có lành ít dữ nhiều. Ba Túc từ từ quay đầu, bước đi hết sức rón rén, lúc nãy vì ánh sáng từ ngọn đuốc quá yếu ớt, ông không biết ở trước có rất nhiều quan tài nên bước đi mạnh dạng. Ông không hề cố ý đánh thức thứ nằm trong quan tài, dù nó là gì đi chăng nữa. Trần Lục thều thào: “Nghĩa phụ ơi, tạm thời chưa biết nó là gì, hay là cứ trở lên trước, phạm một chút luật lệ nhưng giữ được cái mạng chắc Tổ phụ cũng không nỡ trách mắng.”

Ba Túc không trả lời, thật ra ông đang suy nghĩ cách nào cho vẹn toàn. Lúc này, phía sau vang lên âm thanh “ầm ầm” vừa ghê rợn vừa làm cả bọn phải chột dạ. Cầu thang bước xuống rộng khoảng hai người đi, vì dưới đây quá tối nên một chút ánh sáng ở trên là đủ thấy, hiện giờ anh sáng ấy đang mờ dần mờ dần. Tiếng “ầm ầm” là do bọn Mộc Quỷ gây ra, biết rằng không thể nào đánh lại Tiếu Thiên, cho nên sau khi cả bọn người đi khỏi chúng liền nhảy xuống cái hố, ra sức lấy đất đá xung quanh lấp miệng thông đạo. Trần Lục quát: “Bà mẹ nó, đang lúc dầu sôi lửa bỏng còn gặp thêm bọn vô lại. Nghĩa phụ, con lên sống chết với bọn chúng, mở đường máu cho mọi người!”

Ngọc Mỹ la: “Huynh không được đánh động! Chúng thức giấc thì sao?”

Trần Lục nói: “Chúng chúng cái gì giờ này nữa, phía trước không biết có gì, phía sau bị lắp lối đi thì khác nào con cá trong rọ đâu!” Trần Lục nói đến đó thì phóng lên cầu thang, ánh đuốc mất dần trong thông đạo tối đen như mực.

Ba Túc chỉ kịp hét lên: “Cẩn thận!”, lúc này, ông lấy ra rất nhiều giấy vẽ bùa, động tác tay linh hoạt trãi chúng ra đất theo hàng ngang, đoạn nhờ Ngọc Mỹ cầm giùm mình cây đuốc. Ba Túc ngồi xuống, bắt đầu vẽ trong khi Tiếu Thiên đã thủ thế, sẵn sàng cho những gì sắp đến. m thanh ken két của nắp quan tài vẫn vang vọng khắp bốn bề căn điện.

Cầu thang, Trần Lục chạy thục mạng, la hét điên cuồng khi chút ánh sáng còn lại đang bị lấp mắt. Lục ta phóng đi bằng hết sức bình sinh, một bước lên năm sáu bậc thang, tiếp cận cái lỗ cuối cùng, Lục có thể thấy bọn Mộc Quỷ đang lúc nhúc bên ngoài. Khi cục đá cuối cùng sắp được lắp vào, Lục nhảy đến, dùng vai hút vào cái lỗ ấy. Nó chính xác là điểm yếu của cả quần thể đá, nó vẫn còn thì lực húc sẽ phát huy hết tác dụng, giống như cái đập nước bị rỉ một lỗ nhỏ thì lực ép sẽ làm đập vỡ vậy. Nếu cái hang đá bị lấp lại hoàn toàn thì sẽ vô vọng, cũng may Lục rất nhanh, lại dùng hết sức, đất đá bị cú hút thổi tung ra ngoài.

Trần Lục không phải mình đồng da sắt, húc vai vào đá thì thấy đau nhói nhưng đã ra ngoài được nên tinh thần cũng phấn chấn phần nào. Lục nhìn quanh, có khoảng hai mươi con Mộc Quỷ đang hì hục rinh đá, khi thấy con người liền kêu lên re ré, kéo nhau lại vây quanh Lục. Lục không nao núng, đảo mắt xung quanh, một con Mộc Quỷ lao đến liền bị một quyền vào mặt, tay Lục rất nhanh, móc giấy bùa đã vẽ sẵn chữ “Hỏa” in lên đầu con quỷ, giấy vừa dính vào thì lửa bừng cháy, đốt con quỷ ra tro. Đống giấy bùa này Trần Lục đã nhờ Ngọc Mỹ vẽ trước chuyến đi, tổng cộng có ba mươi tờ, Lục đem theo phòng hờ, ai ngờ lúc này lại phát huy tác dụng.

Trần Lục cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi thấy bùa phép có tác dụng, nghĩ bụng hai mươi con quỷ mà có đến ba mươi giấy bùa, trầy trật kiểu gì cũng không thể bại trận này được. Vừa nghĩ đến chuyện có thể xuống dưới cứu Ngọc Mỹ và Ba Túc lên, Lục ta liền thủ thế, đón nhận mọi đòn sắp đến. Đột nhiên, từ bên trên miệng hang vang lên tiếng kêu như chim heo, bốn con mắt đỏ như máu lù lù xuất hiện, chúng lắc lư qua lại rồi phóng xuống dưới. Đứng trước mặt Lục hiện giờ là loài Mộc Quỷ Mắt Đỏ, chúng luôn đi theo cặp, sống trong cây như vợ chồng. Mộc Quỷ chúa chết đã thu hút sự chú ý của chúng, chúng đến đây để giết con người, lấy thị uy với Đám Mộc quỷ con, trở thành chúa tể khu này. Trần Lục thấy hai con quỷ tỏa ra sát khí khác hẳn, chân bất giác lùi lại, trong bụng nghĩ lần này gay to rồi.

Lại nói chuyện bên dưới của bọn Ba Túc, Ngọc Mỹ và Tiếu Thiên. Ba Túc vẽ rất nhiều đạo bùa, Tùy Vũ vung lên hạ xuống liên tục. Tiếu Thiên quay ra nhìn thì thấy nhiều chữ: Hỏa, Thủy, Trùng, Kim. Ngọc Mỹ nói: “Nội ơi, sao vẽ mấy chữ này, đâu phải đánh với Mộc Quỷ?”

Ba Túc vã mồ hôi trán, nói: “Con nhìn quan tài đi, lũ này không phải cương thi đâu. Chúng đã bị lũ trộm mộ làm cho thi biến đặc biệt rồi.”

Thiết Công như Ba Túc rất ghét bọn trộm mộ, mối thù này không phải xuất phát từ hiềm khích gia tộc gì trong quá khứ, nó hình thành dựa vào đặc điểm nghề nghiệp mà thôi. Thiết Công là người làm hòm, bày biết bao thứ đạo bùa, cách thức trấn quan, cốt yếu là để phong ấn thứ bên trong không cho nó thoát ra ngoài, lúc ấy chỉ có hung chứ không có cát. Bọn trộm mộ thì trong mắt chỉ có tiền, bao thứ vàng bạc châu báu được táng theo người chết chúng nhất quyết đào lên cho bằng hết, mặc kệ cho quan tài đó Thiết Công đã nhọc công làm ra như thế nào, mối hiểm họa kéo theo là ra sao. Trộm mộ là kẻ thù không đội trời chung, không thở cùng không khí với Thiết Công.

Những quan tài trong gian điện của Cáp Lị Thành này, không quan trọng là do Thiết Công hay thợ làm quan tài bình thường làm ra, đã bị lũ trộm mộ xâm phạm. Cách thức đào mộ này ngày xưa Ba Túc cũng đã từng thấy, cho nên ông vẽ bốn chữ Hỏa, Thủy, Trùng, Kim đều có lý do cả. Quan tài chính xác đã hòa làm một với cái xác bên trong, lát sau sẽ biến thành Quỷ Cõng Hòm.

Tiếu Thiên nhăn mặt: “Quỷ Cõng Hòm thì hơi khó chơi rồi bác Ba ơi…”

Ba Túc nói: “Thằng cháu này đừng lo quá. Có bác Ba mày ở đây ai dám làm hại mày?”

Tiếu Thiên xua tay, bảo: “Ý con không phải vậy. Khó chơi ở đây nghĩa là… À mà thôi…”

Ba Túc và Ngọc Mỹ không hiểu Tiếu Thiên đang nói gì cả, chỉ thấy thằng bé quay đi, bước về phía đám qua tài mọc lên từ lòng đất. Tiếu Thiên vừa bước ngang thì từ dưới đất có một bàn tay trồi lên, nó nắm chân Tiếu Thiên định lôi xuống dưới, Tiếu Thiên không hề nao núng, thằng nhóc ngồi khuỵu gối, gõ gõ vào nắp quan: “Có ngon thì lên đây chơi với tao, đừng có giở cái trò đồi bại đó!”

Tiếu Thiên vừa dứt câu, từ bên dưới vang lên tiếng động ầm ầm, chui lên là một thân thể gầy trơ xương. Con quỷ này rất gầy thế nhưng sau lưng nó còn cõng được cái quan tài, nó đứng thụp xuống, nhìn Tiếu Thiên, Ba Túc, Ngọc Mỹ kêu lên re ré. Tiếu Thiên nhảy lui về sau, Ba Túc nói: “Mỹ con, lên!”

Ngọc Mỹ “Dạ!” một tiếng rồi nhảy lùi về sau, chạy về phía góc của giang điện, Ba Túc mới nói với Tiếu Thiên: “Bác Ba chơi với con chút nhé!”

Tiếu Thiên không hiểu Ngọc Mỹ định làm gì, Ba Túc đang suy nghĩ gì nhưng nghe Ba Túc nói vậy cũng nở một nụ cười rất nhẹ. Con Quỷ Cõng Hòm phía sau lao đến, Tiếu Thiên lách người sang một bên, cái hòm phía trên như có tri giác, nắp mở ra định nuốt chửng Tiếu Thiên. Tiếu Thiên tất nhiên không phải dạng tầm thường, thằng nhóc dùng tay chưởng vào cạnh quan tài, thân thể nó nhẹ nhàng nên lực đẩy đẩy nó về sau. Lúc này, Ba Túc xông tới, hai tay hai miếng bùa, dán vào thân quan tài. Rắc rắc. Tiếng vỡ gỗ vang lên, con Quỷ Cõng Hòm hình như đang chịu rất nhiều đau đớn, giấy vẽ bùa tác động vào ván quan tài, khiến nó mục nát.

Tiếu Thiên thấy tình thế có vẻ ổn thì lao đến, tay nó được bao phủ bởi một lớp khí màu đen. Nó áp lớp khí này vào trán của con Quỷ Cõng Hòm làm nó la lên rồi tan thành tro bụi. Cái hòm bên trên rớt xuống đất đánh rầm một tiếng. Ba Túc nói: “Ăn ý lắm!”

Tiếu Thiên cười hì hì, lúc này xung quanh lại có thêm nhiều tiếng động rầm rầm. Một, hai, ba, rất nhiều con Quỷ Cõng Hòm trồi lên trên, nhìn về phía Ba Túc và Tiếu Thiên kêu lên như hàng chục con heo bị chọc tiết, ánh mắt chúng đỏ như máu. Hai người đã bị bao vây!

Trần Lục ở bên trên gặp hai con Mộc Quỷ Mắt Đỏ không biết từ đâu lù lù xuất hiện, hắn nhất thời chưa nghĩ ra cách đối phó gì cho thích hợp. Hai con Mộc Quỷ Mắt Đỏ này về cơ bản không thể mạnh hơn Mộc Quỷ chúa đã bị Tiếu Thiên tiêu diệt, nhưng Lục chỉ là kẻ đóng quan tài, những thứ diệt ma diệt quỷ này hắn tuyệt nhiên không hề có một chút ý niệm gì. Lục nhìn xung quanh, hắn đang bị bay vây bởi lũ Mộc Quỷ con, chúng che hai tay, không dám nhìn vào lũ Mắt Đỏ. Lúc nãy chúng vẫn còn lâm le định tấn công Lục, đột nhiên lũ Mắt Đỏ xuất hiện chúng liền từ từ lùi lại, vòng vây đột nhiên được giải.

Trần Lục cảm thấy khó hiểu, giả thuyết duy nhất hiện giờ hắn có chỉ là lũ Mộc Quỷ con này trước giờ đứng dưới sự bảo hộ của Mộc Quỷ chúa, giờ lũ Mắt Đỏ đánh hơi được chuyện con chúa đã bị diệt nên kéo đến xâm chiếm địa bàn, sẵn tiện thu phục vài lâu la. Giả thuyết vẫn là giả thuyết, có thể có nguyên nhân khác, tuy nhiên Trần Lục cũng dễ thở phần nào khi mà lũ quỷ con đang rút dần. Hắn quay nhìn cái cửa hang, đa số đất đá đã bị cú húc lúc nãy đánh bật ra ngoài, lối ra giờ vừa một người đi.

Trần Lục có hai lựa chọn. Thứ nhất, hắn sẽ dùng số bùa phép còn lại để đối phó với hai con Mắt Đỏ; thứ hai, hắn sẽ chạy xuống dưới tìm ba người còn lại bởi vì ít nhất hai con này còn ở đây, lũ quỷ con không thể lắp miệng hang lại được. Trong lúc Trần lục vẫn còn mải mê cân đo đong đếm, một trong hai con Mắt Đỏ bắt đầu hạ thấp người, bò rất nhanh về chỗ hắn đang đứng. Trần Lục giật mình, con Mắt Đỏ vung tay, móng vuốt mọc ra, nhắm thẳng về hướng của hắn, hắn bật người nhảy về sau, cánh tay còn lại của con Mắt Đỏ móc ngang hông. Trúng đòn này coi như hắn toi mạng, thế nhưng, Lục cũng là dạng gan lì, lúc đang lơ lưng, lưng hơi ngửa về sau, móng vuốt của con Mắt Đỏ vừa vung tới, Lục liền tung cước, đạp ngang cánh tay của con quỷ trước khi móng vuốt kịp đâm vào thân thể hắn.

Khỏi phải nói cũng biết, Trần Lục thoát chết trong gang tấc. Con Mắt Đỏ dễ gì chỉ ra hai đòn như vậy rồi thôi, nó quay đầu về sau, kêu lên những tiếng re ré, giống như đang thúc giục “hôn thê” của mình cũng xông lên đi. Đoạn, nó quay lại, hét vào mặt Trần Lục, hắn ta thấy vậy liền hai tay hai Hỏa bùa, hắn đã nghĩ ra cách.

Bên dưới, Ba Túc và TIếu Thiên bị lũ Quỷ Cõng Hòm bao vây, Ngọc Mỹ vẫn chưa thấy tâm hơi đâu, chỉ nghe tiếng chân cô lâu lâu lại vang lên. Tiếu Thiên và Ba Túc đứng đâu lưng, Tiếu Thiên nói, giọng có chút lúng túng: “Bác Ba, chị Mỹ làm gì vậy?”

Ba Túc nói: “Lát thì cháu mày biết thôi. Nó đang lập trận.”

“Trận? Giống như là… Trận đồ diệt ma diệt quỷ ấy hả bác Ba?”

“Không, không. Ông không phải thầy pháp, thầy trừ tà gì đâu. Ông là thợ mộc, thợ làm quan tài thôi. Trận này nhằm muốn đưa mọi thứ về cái vốn có của nó.”

Thiết Công trọng những chuyện tuân theo tự nhiên, xác chết thì phải chôn, người chết thì phải đi đầu thai, giống như mặt trời mọc ở đằng Đông hay nước biển thì sẽ mặn vậy. Điều ấy nằm trong lời dạy của Quan Thiết Công Tổ phụ, là điều đầu tiên người căn dặn con cái sau này phải nghe theo. Như đã biết, táng thì có nhiều kiểu, táng thổ hay táng chôn thì quan tài phải nằm sâu không quá năm mét đất, lung không quá nửa mét đất. Quan tài bị moi lên như thế này là chuyện “không tự nhiên” trong lời răn dại ấy. Thế nên, mọi chuyện phải được trả về như cũ, ấy là dăng chỉ Ngũ Hành xung quanh gian điện, tùy theo mong muốn của người thi triển mà biến chỉ ấy thành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tùy ý.

Từ lúc bước vào gian điện, phát hiện ra những quan tài bị moi lên, Ba Túc đã để ý đến chuyện chúng bị moi len bao nhiêu phần, theo ước tính của ông thì cái cao nhất là nửa mét. Ngọc Mỹ lúc này chạy xung quanh căn phòng, căn chỉ Ngũ Hành sao cho chúng cao một mét. Lúc ấy, Ba Túc khai trận, lũ Quỷ Cõng Hòm sẽ tưởng mình đang nằm dưới đất, trở về thành những cái quan tài bình thường. Thiết Công tuy không diệt được quỷ nhưng tình thế hiện giờ chỉ có thể nghĩ ra cách đó, sau khi làm cho lũ quỷ tưởng mình chưa nhập tràng, cả bọn sẽ chôn chúng về vị trí cũ rồi lập đàn cầu siêu.

Ba Túc dường như còn muốn nói gì đó, thế nhưng lũ Quỷ Cõng Hòm đã kêu ré lên, khép chặt vòng vây. Tiếu Thiên hỏi Ba Túc: “Vậy chúng ta chỉ cần câu giờ đợi chị Mỹ?” Ba Túc gật đầu.

Tiếu Thiên cười nhẹ, nhướn cổ như muốn khiêu khích lũ Quỷ Cõng Hòm, đoạn đứng vào tư thế đinh tấn. Ba Túc biết thằng nhóc này không phải thầy bùa, nhưng nhất định nó có liên quan đến một giới gì đó, hành tung của họ bí ẩn đến độ người sống lâu như Ba Túc còn chưa biết đến thì cũng không phải dạng tầm thường. Ba túc nắm chặt đạo bùa trong tay, khẽ quay lại nhìn xem Tiếu Thiên sắp thi triển tài phép gì. Tiếu Thiên nhắm nghiền mắt, thân người hơi gập, hai tay buông lỏng, miệng đọc lầm rầm thứ ngôn ngữ gì đó Ba Túc không hiểu. Lúc này, một con Quỷ Cõng Hòm xông về phía Tiếu Thiên.

Ba Túc quát: “Cẩn thận!” rồi phóng đạo bùa về phía con quỷ, con quỷ liền dùng tay gạt ra, dường như nó biết những miếng giấy bùa này có thể làm gì, lúc nãy nó đã thấy một lần.

Tiếu Thiên vẫn chưa chịu cử động, miệng đọc ngày càng lớn hơn. Cái nắp quan trên lưng con quỷ há to, trên thành quan mọc ra những chiếc răng nanh nhọn hoắt, định một đòn đớp cụt đầu Tiếu Thiên. Ba Túc quay người, định ôm thằng nhóc rồi ném nó đi chỗ khác, ai ngờ lúc này Tiếu Thiên hét lên: “Tỳ Xá Giá Pháp Chú. Khai!”

Ba Túc giật mình, Tỳ Xá Giá, hay con gọi là Tỳ Xá Xà chẳng phải là một loài quỷ trong đạo Phật hay sao? Nó còn có tên gọi khác là Thực Tinh Khí Quý, cùng với Dạ Xoa và La Sát là những con quỷ khát máu chuyên đi ăn thịt người. Tiếu Thiên hô tên nó không tránh khỏi việc Ba Túc tự hỏi liệu thằng nhóc này có luyện tà thuật hay không?

Một trận âm phong thổi đến khiến Ba Túc khẽ rùng mình, sau lưng Tiếu Thiên dường như có gì đó đang...chui ra. Cái áo nó mặt rách toạc, trên đó Ba Túc thấy hình xăm của một sinh vật tóc màu đỏ, đeo dây chuyền đầu lâu, nó có tám cánh tay, đang đứng với tư thế hết sức uy dũng. Sinh vật vốn là hình xăm làm sao có thể chui ra được? Ba Túc không hiểu nên cũng không dám lại gần, sinh vật lúc này như nhập làm một với Tiếu Thiên. Con Quỷ Cõng Hòm nhào đến đớp Tiếu Thiên, thằng nhóc lúc này ngẩng đầu, nở nụ cười đầy tự tin rồi nhảy vọt lên né cú đớp chí mạng đó. Nó hô: “Phong!”

Những đường chỉ vàng nhỏ như cây kim với đầy đủ màu sắc, nhìn vào rất đẹp mắt, chúng cuồn cuộn trên thân hình của sinh vật sau lưng Tiếu Thiên, khi nghe thằng nhóc hô như vậy thì tủa ra, quấn lấy con Quỷ Cõng Hòm. Con Quỷ Cõng Hòm như bị những sợi chị này trói lại, Tiếu Thiên vừa đáp xuống mắt đất liền lấy đà, phóng về phía con quỷ, tay phải thằng nhóc ánh lên màu màu xanh ngọc. Thấy cảnh này, câu hỏi về “tà thuật” của Ba Túc cũng tan biến, ông nhìn vào những đường sáng mĩ miều liên tục chớp tắt với một Võ Tiếu Thiên còn rất nhỏ tuổi là trung tâm thì không khỏi thán phục, tự hỏi thân phận thằng nhóc này thật sự là gì. Dù là gì thì Ba Túc biết nó cũng là thần đồng xuất chúng, nhất định ông phải tìm hiểu thêm về nó sau chuyến đi này.

Con Quỷ Cõng Hòm chỉ biết cựa quậy trong vô vọng trong khi Tiếu Thiên lao đến, thằng nhóc vun tay, đâm thẳng vào ngực con quỷ khiến nó tan thành cát bụi. Vẫn chưa dừng lại ở đó, Tiếu Thiên lại hô: “Diệt!” Những đường sáng liền tủa đi hai hướng, hai con Quỷ Cõng Hòm hai bên cũng bị diệt. Đột nhiên, một tiếng “ngao ngao” nổi gai óc vang lên, sinh vật sau lưng Tiếu Thiên cựa quậy dữ dội. Tiếu Thiên nhìn Ba Túc: “Bác Ba ơi, chị Mỹ sắp xong chưa, con sắp không làm chủ được Tỳ Xá rồi!”

Xung quanh đột nhiên có tiếng ù ù, có bóng một cô gái bay lơ lửng, bay qua những cái hòm
Không gian tối đen, chỉ có ngọn đuốc,
Ba túc nói quan tài bị như vậy là do lũ trộm mộ, biết ở đây có hố táng tập thể, lại nằm trong khuôn viên của thành chủ nên sẽ có nhiều đồ tùy táng, đào tất cả thì mất nhiều thời gian, chúng chỉ đào xung quanh, đến phân nửa quan tài thì dùng dây ròng rọc kéo lên, mở nấp quan ra xem bên trong, có đồ gì lấy đồ đó. Ba túc chửi bọn hành hương rất nhiều, mặc dù không biế thân phận chúng là ai
Tất cả nắp hòm bật tung, xác cõng hòm trên lưng, bò trên mặt đất hết sức kỳ dị, xác khô lưỡi mọn ra dài, quỷ cõng hòm
Đánh bọn này rất khó, TT dùng chú thì chúng chui vào trong, đợi cả bọn mệt thì nhảy ra ngoài

Đầu tiên là quan tài chui lên từ mộ, lộ phân nửa ra, lúc này gặp miễu, cả đám bị vật cho ra bã, TT chỉ giết được 1-2 con. Lúc này, khuyên tai đen của Trần Lục bỗng phát sáng, lũ miễu thấy thì chui vô quan tài trốn. Ba Túc liền dùng loại dây đặc biệt, căn từ bia mộ tời phần nhô lên của quan tài, nói đây là làm cho bọn cương thi tưởng mình đang ở dưới đất mà không lên quậy.


Tác Giả: Lâm Gia Thái Bảo

About Author

HAPPY8 BLOG
HAPPY8 BLOG

Yêu thích fun88,hl8,v9bet,fb88 và nhiều trang game khác nữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe Now

Distributed by Blog Templates