Ad Section

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Ơn đền oán trả

“Bàn là, quạt cháy, máy bơm. Tivi, tủ lạnh, nồi cơm, đầu màn. Côngtơ, catxet, bộ đàm. Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi...”. “Ai đồng nát, dép rách, nhôm bẹp... bán không”

Tiếng rao lảnh lót của cô Tâm vang vọng khắp con phố nhỏ vào một buổi trưa hè đã thành thói quen . Người đàn bà đã ngoài ba mươi tuổi với nước da sạm đi vì dầm mưa giãi nắng đang còng rạp lưng đạp xe ngược chiều gió . Trang thiết bị ” hành nghề " của cô Tâm chỉ lèo tèo vài ba thứ: chiếc xe đạp cà tàng với hai chiếc sọt sắt cỡ lớn , một chiếc cân móc nhỏ, vài chiếc bao để đựng phế liệu, và một cọc tiền lẻ.

Ngày ngày, từ sáng sớm đến nhá nhem, cô Tâm len lỏi vào từng ngõ hẻm để thu mua đủ thứ thượng vàng hạ cám: sách cũ, bìa các tông, đồng nhôm, sắt vụn, lông ngan lông vịt ,… những thứ tưởng chừng vô dụng nhưng vẫn có thể tái sử dụng, tái chế. Có khi người dân trong phố cổ còn bắt gặp cô Tâm dùng bàn tay trần, bới những thứ có thể tái chế được trong những thùng rác ven đường. Cái gọi là đồ bỏ đi của người khác có thể chính là bữa cơm có thịt hay đồng tiền chi tiêu hàng ngày của cô.
ơn đền oán trả

Người ta đã quá quen thuộc với thanh âm đó , kể cả giữa trưa hè oi ả , hay mùa đông miền bắc rét cắt da cắt thịt . Nhiều khi không thấy tiếng cô , lũ trẻ con vẫn gặng hỏi người lớn . Không phải vì chúng nhớ nhung gì , mà chỉ là khi tiếng rao ấy cất lên , cô Tâm sẽ xuất hiện và đổi cho chúng những thanh kẹo kéo ngon lành mà lấy mớ giấy vụn hoặc đôi khi chỉ là đôi dép sờn cũ .

Người lớn thì kể với nhau rằng cô Tâm không có chồng , quê cô ở mãi vùng Quảng Ninh đầu sóng ngọn gió . Cô sống ở một căn nhà trọ ở ven ngoại thành Hà Nội và lấy nghề đồng nát làm kế sinh nhai . Người thơm thảo thì cho cô bọc giấy , chai nhựa , mớ đồng . Kẻ ác nhân thì dèm pha từng đồng từng cắc .

Mười sáu năm về trước

Hoàn cảnh của Tâm thực ra éo le lắm . Mẹ cô mồ côi từ nhỏ , cha cô cũng xuất thân từ gia đình không mấy khá giả nhà lại đông anh em . Sau khi cha cô mất, trong một lần đi mò trai ven sông xui xẻo đạp nhầm bom , mẹ cô ở vậy nuôi cô mà không đi bước nữa . Bà cũng ra đi trong một đêm mưa gió tối trời năm cô vừa tròn mười sáu tuôi.

Thân cô, thế cô lại bị họ hàng khinh rẻ , nhiều hôm đi mò cua bắt ốc không đủ đắp đổi miếng ăn qua ngày . Tâm đánh liều sang nhà lão Hiểu vay mượn mấy ca gạo đặng qua cơn đói ,lão Hiểu vốn là chú của cha cô nên theo ngôi thứ cô phải gọi lão là ông . Lão Hiểu là người giàu có nhất ở cái làng Yên Lăng đó , thóc lúa mấy kho , lại có thêm cái nghề thu mua cá với mấy sạp lớn ở tận Vân Đồn nên của nả chật ních trong nhà .

- Chú ơi ! Chú cho con vay ca gạo , hôm nay con mò cua bắt ốc mà nước lớn quá nên không đủ tiền đong gạo .

Lão Hiểu ngồi trên chiếc ghế mây trên thềm
liếc mắt nhìn đứa cháu gái mười sáu, mười bảy tuổi thân hình còm cõi rồi giở dọng ngọt nhạt :

- Haizzz ! Ta thì ta chả tiếc mày cái gì nhưng ngặt nỗi nhà ta chỉ còn thóc giống thôi , làm gì có cho mày vay !

Nhìn con bé loay hoay dưới sân , lão bỏ luôn cái quạt đang phe phẩy trên tay. Nhấp ngụm nước chè súc miệng ùng ục mấy cái rồi nhổ toẹt xuống nền sân và bảo :

- Mày cũng lớn lắm rồi ! Không lo mà làm ăn đi , hở ra là vay với mượn thì đời nào mới khá ? Nể tình mày là con cháu trong họ, tao cho mày mấy đồng ra mua ca gạo về mà ăn . Nhưng nhớ là chỉ lần này thôi đấy ! Lần sau tao cấm cửa !

Lão nói rồi ném mấy tờ tiền xuống cái nền nhà , Tâm gật đầu vâng dạ rồi nhanh tay nhặt mấy đồng tiền dính ướt nước chè định ra về . Chưa đi được mấy bước thì cái giọng lanh lảnh của bà Hoa - vợ lão Hiểu đã cất lên :

- Của đâu mà ông cứ bố thí hoài vậy ? Nhà bà phải đổ mồ hôi , sôi nước mắt mới được chút tiền . Hơi đâu mà cúng cô hồn mãi được ?

Hai chữ cô hồn bà Hoa cố ý đay nghiến nhấn mạnh . Tâm lắp bắp móc mấy tờ tiền ra , cay xè hai mắt mà đưa cho bà ta . Bà Hoa dơ chiếc khăn mùi xoa lên che mũi không thèm cầm và nhăn mặt bảo :

- Thôi ! Tôi là tôi nói thế thôi ! Chứ tôi mà lấy lại thì chả mấy chốc mà cái làng này nó bảo tôi ác nhân, ác đức . Ông cho thì cứ cầm lấy , đến mùa tôi sang thu thóc là được rồi !

Tâm cúi đầu chào ông bà Hiểu rồi lầm lũi đi thẳng ra cổng . Bà Hoa quay ra chồng rồi cằn nhằn :

- Ông là ông mềm lòng lắm ! Loại ham ăn lười làm này vay mượn lần một , chắc chắn sẽ có lần hai . Ông mà cứ thế này thì nó được voi đòi tiên , nó leo lên đầu , lên cổ ông mà ngồi đấy !

Lão Hiểu càu nhàu :

- Dù sao nó cũng là con cháu trong nhà , bà làm gì mà quá đáng thế ?

Bà Hoa gầm lên :

- Quá đáng ? Tôi làm mọi thứ cũng vì nghĩ cho cái nhà này chứ cho ai ? Con cháu của ông đúng không ? Sao không đón nó vào ở luôn trong cái nhà này để tôi hầu hạ luôn cho dễ ? Khỏi mang tiếng tôi cay nghiệt !

Lão Hiểu cáu tiết đập bàn cái rầm làm bà Hoa sợ hãi tái mặt . Lão nghiến hai hàm răng đen xỉn vì khói thuốc mà rằng :

- Đàn ông nông nổi giếng khơi , đàn bà sâu thẳm như cơi đựng trầu ! Các cụ nói cấm bao giờ sai . Bà đúng là thứ nông nổi chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt mà không chịu nhìn xa trông rộng gì cả !

Bà Hoa lắp bắp dò xét :

- Ý ... ý ông là gì ?

Lão Hiểu ngồi phệch xuống cái ghế, giương cặp mắt cú vọ nhìn vợ rồi nhếch mép đáp :

- Dăm ba đấu gạo tính toán làm gì ? Đã làm là phải làm cái lớn ! Cứ cho nó ít tiền bạc đi , sau này chiếm luôn mảnh đất nhà nó . Chỗ đó đắc địa lắm ! Tôi đã nhờ thầy phong thủy xem rồi . Mệnh tôi mà dựng nhà ở đó thì làm ăn lên như diều gặp gió , chứ dễ gì ăn không được của thằng Hiểu này !

Bà Hoa xuýt xoa tay bốn, năm lần rồi bảo :

- Ông thật giỏi quá đi ! Tôi xin nghe theo ông định liệu !

Lão Hiểu cười khẩy :

- Thả con săn sắt , bắt con cá rô . Nhớ chưa ?

Quả nhiên sau đó , lão Hiểu tìm mọi cớ o ép chiếm luôn mảnh đất mà Tâm đang ở . Sợ dân làng dị nghị nên lão ném cho Tâm hai triệu bạc rồi tống cổ nàng ra khỏi nhà . Mấy người làm cửu vạn sống cạnh nhà thương tình dẫn Tâm lên Hà Nội mưu sinh , rồi dần dà chẳng biết tự bao giờ, nghề Đồng nát chọn Tâm như một lẽ tất yếu !

Chiều hôm ấy , như thường lệ Tâm đạp chiếc xe đạp thống nhất mang theo chiếc cân nhỏ , hai cái sọt sắt và mấy cái bao đi thu mua dọc phố cổ Hà Nội . Tiết trời tháng năm về chiều mà vẫn nóng như đổ lửa .

- Con kia ! Mày có mua giấy vụn không ?

Tâm đang lúi húi bới rác nhặt thêm ít chai lọ thì nghe tiếng gọi , đẩy vành nón mê lên quá tầm mắt , trước mắt Tâm là một người thanh niên trạc tuổi cô ăn mặc khá sang trọng . Tâm quay người đứng lên giọng khẩn khoản :

- Dạ ! Có ... có mua ạ !

Người thanh niên khẽ chau mày che mũi rồi đáp :

- Được rồi ! Mày đi theo tao !

- Dạ dạ dạ !!!!

Gã dẫn Tâm đến căn nhà khang trang cách chỗ cô đang bới rác chỉ tầm mười mấy mét .

- Ê ê ê ! Đứng ngoài đợi... cấm vào trong nha mày !

Người thanh niên nói rồi quay vào nhà , lát sau gã lôi ra một bọc bìa carton rất lớn đã buộc cẩn thận . Phủi tay mấy cái gã chống nạnh bảo :

- Nè ! Carton bao nhiêu kí mày ?

Tâm thật thà đáp :

- Bốn ngàn một kí anh ạ !

Gã chống nạnh :

- Gì rẻ thế mày ? Sáu ngàn mua không ?

Tâm lắp bắp :

- Dạ ! Không được đâu anh ơi , em mua bốn ngàn em bán lại có năm ngàn thôi anh ạ .

- Thôi thôi ! Khỏi bán đi , mua gì rẻ thế mày ?

Gã nói rồi cúi người kéo bọc bìa vào nhà , Tâm gấp gáp :

- À ! Anh ... anh gì ơi ! Anh bán cho em bốn ... bốn ngàn rưỡi nha anh ! Em lời có năm trăm à !

Gã nhìn Tâm rồi hừ một tiếng :

- Thôi mua nhanh lên ! Kì cà kì kèo !

Lúc Tâm lúi húi lấy cân , gã nhanh tay nhét vào giữa đống bìa mấy hòn gạch đá hoa , rồi đứng lên như không có gì xảy ra .

- Cân cho chính xác nha mày ! Thiếu đồng nào tao bảo !

- Dạ dạ dạ !

Tâm nhìn cân rồi rút cọc tiền lẻ ra trả gã

- Xong rồi còn đứng đợi gì nữa mày ?

Tâm lắp bắp :

- Dạ ... đợi ... đợi trả lại tiền ạ !

Gã xua tay :

- Trời ơi ! Ai còn xài hai trăm nữa mà trả . Thôi ! Đi nhanh mày , đứng đây hôi thối hết nhà tao giờ !

Tâm cúi đầu rồi dắt chiếc xe ra ngoài lầm lũi đạp đi .

Tâm há hốc mồm sửng sốt khi dừng xe ngay đầu con hẻm định buộc lại mớ bìa carton mới mua , cô thất thần khi thấy giữa mớ carton đó là mấy viên gạch đá hoa nặng trịch . Chưa hết , lẫn trong đám giấy vụn bó chung trong đó , cô thấy một xấp tiền được cột dây thun ngay ngắn và còn nguyên nếp

Kính cong .... kính cong ...

- Mày còn quay lại đây làm gì ? Làm gì còn giấy vụn mà bán ? Hay lại tiếc hai trăm nên quay lại đòi tao hả ?

Tâm giơ cọc tiền ra trước mặt rồi bảo :

- Em ... em tìm thấy cọc tiền này trong đống bìa anh bán cho em !

Gã hốt hoảng đánh rơi li nước đang cầm trên tay , giật lấy số tiền rồi đếm !

- Hai mươi triệu bốn trăm ngàn ... anh đếm đi ! Không thiếu một đồng !

Gã há hốc mồm , cúi đầu xuống rồi nhanh tay rút ra một tờ tiền bảo :

- Đây ! Cô cầm lấy năm trăm coi như tôi cảm ơn !

Tâm đẩy cao vành nón và nói :

- Nếu em lấy thì đã không quay lại rồi ! Còn đây là mấy viên gạch anh nhét vào đống giấy vụn bán cho em . Em cũng xin gửi lại . Em nghèo nhưng không sống hèn . Em chào anh !

Tâm nói rồi dúi vào tay gã mấy viên gạch nặng trĩu tay rồi lầm lũi đạp xe ra ngoài lộ , bỏ lại gã đứng chết trân cúi đầu với cốc nước vỡ tan dưới đất .

Bước ngoặt cuộc đời đến với Tâm vào một đêm trời mưa rả rích tháng 10 , với không khí lạnh buốt những ngày đầu đông . Chính cuộc gặp gỡ định mệnh đó đã đưa cuộc đời nàng qua muôn vàn thăng trầm , hỉ , nộ , ái , ố đủ cả .

Đêm hôm đó vì thu mua được mẻ hàng lớn nên Tâm về trễ hơn mọi ngày . Mười giờ tối với tiết trời mùa đông rét cắt da , cắt thịt lại tối như hũ nút . Tâm đang oằn mình đẩy hai sọt phế liệu thì nghe tiếng trẻ con khóc nơi góc cột điện

- Oe ... oe oe ...

Tâm định thần kéo cao chiếc áo trấn thủ bằng bông khá dầy nhưng sờn cũ rồi dựa tạm chiếc xe nặng nề vào một bức tường rồi tò mò tiến lại nơi phát ra tiếng khóc . Tâm hốt hoảng thốt lên vì nơi cột điện có một chiếc nôi em bé :

- Ôi trời ơi !

Tâm nhào lại mở lớp vải mỏng che trên nôi rồi sững sờ thốt lên :

- Trời ơi ! Sao lại có đứa bé ai bỏ đây thế này ? Mọi người ơi ! Sao có đứa bé ai bỏ đây này ?

Đứa bé rúm ró trong chiếc chăn mỏng , làn da tái nhợt với đôi môi đã tím thâm vì mưa gió khóc ré lên từng chặp . Tâm vỗ vỗ nhẹ nó rồi hoảng hốt lùi hẳn vào mái cổng một căn nhà và quay quắt nhìn quanh , tuyệt nhiên không có ai ở quanh con hẻm này , dưới cái tiết trời lạnh như băng .

- Trời ơi ! Đứa nhỏ dễ thương thế này sao ai nỡ lòng nào bỏ đây thế này ?

Tâm đặt đứa bé xuống nôi rồi cởi luôn chiếc áo bông trấn thủ ủ thêm cho nó , rồi rúm ró bồng đứa bé lên luôn miệng an ủi :

- Cô thương ... cô thương mà !

Tâm cố tình đứng chờ xem có ai đến nhận đứa bé không nhưng chỉ có cô và nó run rẩy trong làn mưa lạnh lẽo . Cực chẳng đã cô bỏ luôn xe hàng rồi lao nhanh về phòng vì đứa bé khóc đã khản cả giọng . Cũng may là phòng cô chỉ cách đó mấy chục bước chân , nên sau khi đứa bé đã ấm êm trong lớp chăn dầy và căn phòng kín gió , cô mới đội mưa lao nhanh ra con hẻm mà đẩy chiếc xe về vì đó vốn là miếng cơm manh áo .

Tâm thức trắng cả đêm để chăm sóc cho đứa bé . Sáng hôm sau cô bỏ cả buổi chợ để đứng đầu con hẻm xem có ai đến tìm con không, nhưng mấy ngày liền không có ai đến hỏi cả . Tâm bồng đứa bé lên rồi chảy dài hai hàng nước mắt bảo :

- Đội ơn trời cho con được đứa con ! Nếu người ta đã vất bỏ con , thì từ nay mẹ sẽ thay họ mà nuôi nấng con nên người con nhé ! À ... mà sẽ đặt tên con là Minh . Bình Minh con nhé ! Hi vọng sau này đời con sẽ rực rỡ ánh quang , không hẩm hiu như đời mẹ thế này .

Tâm hết lòng săn sóc thằng bé nhưng số trời không cho nó được sống kiếp người . Thằng bé đột ngột ra đi trong một đêm mưa gió tối trời vì căn bệnh viêm phổi dù Tâm đã gõ cửa kêu gào khản giọng ở bệnh viện . Xác nó được những người hảo tâm quyên góp tiền chôn ở bãi tha ma ven ngoại ô , trên đó còn ghim chặt bia đá có ghi dòng chữ Nguyễn Bình Minh - hưởng dương 1 tuổi .

Tâm đã hoảng hốt khi thấy thằng bé bị bỏ rơi , rồi lại oà lên hạnh phúc khi nhận nó làm con và vỡ vụn con tim khi con trai nàng sớm lìa xa nhân thế . Người ta vẫn thấy một thân ảnh còm cõi mặc kệ cái tiết trời gió rét , mưa phùn mà ra phủ phục nhặt từng ngọn cỏ , đắp thêm từng miếng đất cho cái mô đất lạnh lẽo vô hồn .

Một thời gian sau Tâm mới bình tĩnh trở lại , cô lại cặm cụi lầm lũi đạp chiếc xe cũ rích đi mua phế liệu , nhưng tiếng rao đã trầm đục và gương mặt đã tắt hẳn nụ cười .

Mười hai giờ đêm một ngày cuối tháng 12

Đêm hôm ấy sau một ngày mệt mỏi vì mua được mấy chuyến hàng sắt , Tâm trở về căn phòng trọ rồi nhanh chóng thu dọn và lên giường ngủ . Căn phòng trọ Tâm thuê rộng chừng mười lăm mét vuông ,cánh cửa sổ cô đã buộc chặt bằng mấy sợi dây điện ghì vào cái chấn song bằng gỗ , lúc này đang phát ra những tiếng vi vút bởi những cơn gió mùa đông bắc lọt qua khe cửa .

Tâm kéo chiếc chăn bông lên cao quá cổ mà vẫn cảm thấy lạnh cóng toàn thân.Tâm trằn trọc không ngủ được dù hai mắt đã cay xè , ngọn đèn quả nhót trên đầu giường đổ ập bóng Tâm lên tường , chốc chốc lại trở mình làm cái bóng khẽ lay động . Căn phòng đặc quánh một không khí lạnh lẽo thấu xương, chỉ còn tiếng thở dài chốc chốc phát ra nơi cổ họng .

Tâm đang chìm trong đống suy nghĩ miên man thì bất chợt ngọn đèn quả nhót hắt ra ánh sáng đỏ quạch đột nhiên chớp tắt làm Tâm mệt mỏi quay người kiểm tra ổ điện . Bỗng Tâm á khẩu không nói được tiếng nào , vì ở cái bàn gỗ cách chiếc giường Tâm đang nằm chỉ mấy bước chân ... thằng Minh đang ngồi đó . Thân ảnh của nó mờ mịt lúc còn lúc mất , hình hài vẫn là đứa bé còn quấn tã nhưng nó lại ngồi xếp bằng trên bàn nhìn Tâm chòng chọc .

Phút chốc Tâm lấy lại ba hồn bảy vía , cô tung chăn định lao ra ôm lấy nó nhưng toàn thân như có một sức mạnh nặng nề đè lên làm Tâm nằm im lìm không cựa quậy được . Hai dòng nước mắt trào ra , Tâm nói trong thổn thức :

- Con ơi ! Con của mẹ ơi .... mẹ đây ! Mẹ Tâm của con đây ..... con về với mẹ đúng không con ...

Thằng bé vẫn ngồi xếp bằng , dưới ánh đèn chớp tắt và cái không gian tranh tối tranh sáng đó . Tâm thấy nó khẽ gật đầu , từ cổ họng bé nhỏ đó bỗng nhiên thoát ra một âm thanh thoát tục , như vọng về từ chốn nào sâu thăm thẳm :

- Mẹ ơi .... con về với mẹ đây ! Minh của mẹ đây ....

Tâm nghẹn ngào :

- Con trai ngoan của mẹ .... lại ... lại đây với mẹ .... lại đây con !!!!

Thằng bé khẽ lắc đầu ,rồi vẫn bằng chất giọng thoát tục nó chậm rãi kể :

- Mẹ Tâm ơi ! Xin hãy nghe con nói ... Hơn 100 năm trước, con vốn là một công tử quyền thề thuộc một gia đình phú hộ, giàu nứt đố đổ vách. Thủa ấy là thời Pháp thuộc, nhà nào giàu đều có quyền bỏ tiền ra mua những người khác về nhà làm người hầu, sống như nô lệ. Nhà con tất nhiên không ngoại lệ, trong nhà gia nhân già, trẻ, nam nữ rất đông, nhất nhất theo lệnh chủ phục tùng, nửa lời không dám cãi .

Thằng bé ngừng vài giây , hai khoé mắt mờ ảo chảy ra hai dòng lệ mà rằng :

- Được cha mẹ nuông chiều từ nhỏ, gia nhân hầu hạ, ra bẩm vào thưa, nên con tính tình từ nhỏ đã ngạo mạn khinh người và đặc biệt thích bắt nạt người khác .Lớn lên thì cái tính xấu ấy được tôi luyện trở thành sự hung dữ. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi kẻ hầu người hạ trong nhà sẽ là những tấm bia hứng chịu những cơn thịnh nộ của con nhiều nhất.Thấy ai không vừa mắt là con lập tức chửi bới. Mà lệ thường, sau vài câu chửi thì sẽ là những đòn roi giáng xuống xối xả, vơ được cây roi, thanh gậy gì gần đó là con đập, đập liên tiếp, đập không thương tiếc.

Tâm chết trân lắng tai nghe thằng bé kể :

- Thành ra con trở thành một cơn ác mộng khiếp đảm với người ở trong nhà. Ác mộng thật chứ không phải ví von, vì đã có những người bị con đập mạnh vào đầu, trúng những chỗ hiểm mà nằm liệt luôn, không dậy được, hoặc thậm chí chết ngay.Không chút tiếc thương nào cả, với những người ấy , con sẽ sai người vác bỏ vào rừng cho dã thú ăn thịt. Đó là thời Pháp thuộc, địa chủ với chính quyền Pháp cấu kết, bao che cho nhau, nên việc gia nhân, người ở trong nhà bị đánh chết cũng sẽ chẳng có ai xử lí .

Nó thổn thức một hồi làm thân ảnh khẽ rung lên :

- Lấy vợ rồi, con có nhiều sự thay đổi, xong có một điều được bảo tồn bất di bất dịch, ấy là cái thói quen thích đánh đập người khác. Biến cố xảy ra âu cũng là báo ứng ! Ba tên cướp trong một đêm mưa gió tối trời lẻn vào nhà cướp sạch vàng bạc , lại giết hết vợ con con . Riêng con bị chúng đánh chết tươi rồi ném xác xuống sông để chịu cảnh cá tôm rỉa thịt , lại chịu lạnh lẽo hôi thối ngàn đời .

Thằng bé nhìn Tâm mà khẩn khoản :

- Sau khi con chết đi và trả nghiệp thì lại được đầu thai làm người , phúc phận của con là được mẹ cứu giúp mà thương tình nhận làm con trai . Nhưng kiếp trước nghiệp báo con lớn quá nên Diêm La không cho con được sống kiếp con người mà bắt con về . Sau khi con chết , ngày nào mẹ cũng ra cạnh mộ con , ngồi xếp bằng niệm Phật. Kinh Địa Tạng có nói rằng khi người sống hồi hướng công đức tụng kinh niệm Phật cho người đã chết, thì người chết sẽ nhận được một phần công đức ấy . Vậy nên chính mẹ đã giúp con gột rửa trăm ngàn nghiệp báo chất chồng mà được như hôm nay .

Tâm á khẩu không nói được lời nào . Thân hình thằng bé khẽ mờ ảo trước mắt . Nó run run thân ảnh rồi vẫn bằng cái giọng đều đều đó mà rằng :

- Mẹ Tâm ơi .... ngày mai trước khi ra khỏi nhà ... mẹ nhớ thắp nhang rồi kêu tên con ba lần ! Con sẽ phù hộ cho mẹ .... Đến giờ con phải đi rồi .... con lạy mẹ ! Con đi !!!!

Dứt lời thân ảnh nó vụt biến mất . Ngọn đèn quả nhót đã sáng tỏ . Tâm há hốc mồm, tung chăn ngồi bật dậy thì ra chỉ là giấc mơ . Giấc mơ thật đến mức hai hàng nước mắt của cô vẫn chảy dài . Tâm đốt lên một nén nhang cháy đỏ rực thắp lên trước di ảnh thằng bé rồi gục đầu khóc lóc :

- Tội nghiệp con trai bé bỏng của tôi .... con sống khôn thác thiêng . An nghỉ đi con nhé !

Sáng hôm sau trước khi đi mua hàng , Tâm thắp lên nén nhang rồi lầm rầm khấn tên con . Quả nhiên hôm đó xảy ra sự lạ .

Căn nhà mà Tâm thu mua hôm nay của một bà chủ rất giàu có . Nhà bà ấy chuyển vô trung tâm Hà Nội nên có hẹn Tâm đến mà cho không đống phế liệu , vì Tâm đã từng đến đây mua bán mấy lần mà hầu như chủ nhà không bao giờ tính toán .

Tâm trở về nhà cũng gần mười hai giờ trưa . Ì ạch phân loại thì Tâm á khẩu vì trong chiế hộp gỗ đỏ sậm có bọc mấy lớp khăn tay trắng xoá là năm nén vàng ròng . Tâm thất thần một lúc rồi chợt nhớ ra trước khi rời đi , bà chủ có cho Tâm một số điện thoại và căn dặn :

- Sau này có gì khó khăn em cứ gọi cho chị ! Nhất định chị sẽ giúp !

Tâm run rẩy bấm số , đầu dây bên kia là tiếng đàn bà trung niên bốc máy :

- Alo ! Tôi Ngân Hà xin nghe !

Tâm run rẩy :

- cô Hà ! Em là Tâm .... Tâm sáng nay đến gom phế liệu đây !

Như dự liệu trước sẽ có cuộc điện thoại này nên bà Hà cười xoà đáp :

- Chị biết Tâm sẽ gọi cho chị mà ! Lần trước con trai chị nghịch ngợm bị té xuống hồ , may mà có Tâm cứu kịp thời . Chị đã nhiều lần muốn trả ơn nhưng Tâm nhất định không chịu . Năm nén vàng đó là chị cố tình cho Tâm lấy vốn mà học lấy cái nghề nuôi thân . Tâm nhận cho chị an lòng ! Tâm nhé !

Bà Hà ngắt máy rồi mà Tâm vẫn thất thần một lúc . Tâm lao lại bàn thờ chảy hai dòng nước mắt , thắp nén nhang mà tỉ tê với di ảnh thằng Minh . Vốn tính thiện lương , Tâm mang một nén vàng lên chùa cúng dường , để các nhà sư lo liệu cho trẻ em cơ nhỡ . Số còn lại Tâm giành để học cái nghề may vá , vốn là ước mơ của cô từ nhỏ .

Tâm thông minh nên tay nghề lên rất nhanh , sau ba năm cô đã trở thành một thợ may có tiếng ở đất Hà Thành với thương hiệu áo dài Khánh Tâm . Nhiều nơi như Trung Quốc hay Thái Lan cũng biết tiếng mà tìm về đặt mối làm ăn với cô . Nên chỉ mấy năm , cô đã là chủ của chuỗi cửa hàng áo dài lên tới mười mấy tiệm

Một lần nữa , linh hồn con trai cô lại cứu vớt đời cô qua cơn bĩ cực đúng như lời nó nói. Cái chốn Hà thành này ai ai cũng biết bà Khánh Tâm là chủ hãng áo dài nổi tiếng , áo dài của bà thậm chí được các hãng may mặc ở Trung Quốc và cả Thái Lan đặt hàng nên quanh năm bận rộn lắm .

Công việc này thường phải đi đây đi đó xa xôi, lại khá nặng nhọc, cần rành về kĩ thuật, nên bà Tâm tuyển lựa ra 3 người cộng sự, mỗi lần đi thị sát hay kí kết hợp đồng đều gọi đi làm cùng. Lâu dần thành một ê kíp phối hợp ăn ý, mặc dù trên danh nghĩa thì bà Tâm là chủ, nhưng chị em sống với nhau rất hòa đồng, thân mật.

Một lần Tâm cùng ba người cộng sự lên tận Hà Giang để kí một hợp đồng xuất hai trăm bộ áo dài truyền thống cho một bản nọ. Kí kết hợp đồng xong xuôi thì trời tối. Tâm nhận tiền rồi cùng ba gã cộng sự kia đi về. Bốn người leo lên chiếc xe jeep , phi nhanh trên con đường tối thui trở về nhà.

Đó là một con đường rất hoang vắng, dài thăm thẳm chạy xuyên qua những vườn, đồi trồng cây ăn trái. Cảnh vật tối tăm, tịch mịch. Đang chạy, chợt mắt Tâm đảo qua thấy một khối gì đó đen thui, to lù lù trên cây. Tính tò mò, Tâm gọi ba gã cộng sự dừng xe lại:

- Các em à , hình như chị vừa thấy một con gấu, nó ở trên cây kia kìa.

Một gã bảo :

- Chị hoa mắt hả? Hà Giang làm gì có gấu?

Nói thế nhưng cả đám vẫn quay lại xem sao. Bước lại gần, soi đèn pin lên thì… ông giời ơi, chẳng phải gấu cọp chi cả, mà là một người đàn ông mặc áo mưa, treo cổ chết lủng lẳng trên một cây ổi rừng .

Tá hỏa tam tinh, ba gã kia la toáng lên, rồi co giò chạy thục mạng, bỏ lại mình Tâm giữa màn đêm hoang vắng với cái xác treo cổ. Nhưng không sao, Tâm tuy là thân đàn bà , nhưng gia cảnh cơ cực từ nhỏ nên trời phú cho từ bé đã gan góc cùng mình, những chuyện này không làm cô sợ lắm. Hít một hơi trấn tĩnh lại, Tâm bước đến vái cái xác người đàn ông ấy mấy vái, rồi khấn thế này:

- Tôi với ông vốn không quen biết, tình cờ gặp ông đây cũng là một cái duyên, mà duyên gặp này tiếc rằng cũng là khi ông đã tử rồi. Ba đứa em tôi nó cũng bỏ tôi chạy mất, thôi thì tôi chỉ có thể giúp ông báo công an xã để người ta truy ra ông ở đâu rồi đem về nhà cho người thân tẩm liệm.

Thế rồi Tâm chạy đi báo công an. Họ tới đưa xác người đàn ông xuống, lục trong người thì thấy địa chỉ nhà , rồi theo đó đưa xác về nhà. Tâm tính thích bao đồng, nên cũng đi theo về đến nhà ông ta luôn.

Vào nhà ông ta, thì câu chuyện lại càng buồn hơn. Vợ chồng ông ta sống ở cuối bản Mường, có hai đứa con còn rất nhỏ, trong đó thì một đứa bị tật nguyền, gia cảnh nghèo xơ xác. Không biết có phải vì túng quẫn quá mà ông ta tự tử không nữa. Thấy hoàn cảnh ấy Tâm cũng không đành lòng bỏ mặc.

Lục trong túi đếm được hơn năm triệu đồng tiền đặt cọc áo dài mới nhận ( năm triệu đồng năm 1998 khá lớn ) Tâm chạy đi mua một chiếc quan tài. Rồi rút nốt chiếc nhẫn ba chỉ vàng trên tay, Tâm thương cảm đưa cho người vợ lo tiền mai táng cho người đàn ông xấu số kia.

Sự việc xong xuôi, Tâm trở về và cũng không suy nghĩ gì về việc đó nữa. Vẫn tập trung cho tiệm áo dài như trước, chỉ có một điều lạ, là Tâm luôn gặp may mắn, làm ăn phất lên như diều gặp gió.

Cứ thế mấy năm sau, lần đó Tâm nhận được một hợp đồng tít tận bên Thái với nguồn cung chỉ thêu chất lượng mà giá cả phải chăng. Lần đó Tâm mang theo khá nhiều tiền, đi buôn bán làm ăn mà, thêm một sợi dây chuyền năm chỉ vàng trên cổ nữa.

Cũng như mọi lần , Tâm gọi ba gã cộng sự theo cùng để tiện cho công việc . Nhận hàng, giao tiền xong xuôi thì trời đã tối, phải xin chủ xưởng cho cả đám ngủ lại. Căn biệt thự trong khoảng đồi chỉ có hai mẹ con, đàn bà với nhau cả nên họ vui vẻ chấp thuận. Cả ngày làm mệt nhoài rồi, nên leo lên giường là Tâm ngủ ngay.

Đang đêm, khi đang say giấc ngủ ngon, Tâm lạc vào một giấc mơ, và thấy một người đàn ông xa lạ cùng với con trai nàng là thằng Minh bước đến, nói như hét vào mặt cô :

- Bà mau thức dậy đi ! Tôi là người đi theo bảo vệ bà suốt mấy năm nay để trả nợ bà đây !

Và giọng thằng Minh gấp gáp hối thúc

- Mẹ Tâm ơi ... chạy ... chạy ngay đi !

Tâm nhào vào ôm thân ảnh bé bỏng của con trai mà nức nở nhưng thằng bé cứ đẩy ra và kéo tay Tâm luôn miệng :

- Mẹ Tâm chạy đi ... chạy ngay đi !

Tâm ngơ ngác hỏi lại:

- Mà ông là ai ?

- Tôi là người treo cổ ở Hà Giang năm đó, bà nhớ chưa ? Ở ngoài sau nhà, họ đang mài dao rựa, dao mác để giết bà cướp tiền và vàng của bà đó. Giờ bà hãy đạp cái cửa sổ này ra, rồi nhằm thẳng hướng đông chạy thật nhanh, bà sẽ gặp một cái am của ni cô. Chỉ có đường đó bà mới thoát thân được thôi, ngoài ra chạy đường nào bà cũng chết hết. Xin bà đi ngay cho !

Tâm mở trừng mắt bừng tỉnh , bên tai cô tiếng con trai vẫn văng vẳng. Quả nhiên Tâm thấy có tiếng bước chân đang tiến lại gần, cách cô chỉ một căn phòng . Không suy nghĩ nhiều, Tâm lập tức y theo lời chỉ dẫn của hồn ma con trai và người đàn ông trong mơ. Dùng hết sức, tung chân đạp mạnh vào cái cửa sổ. Đúng là nó không có kiên cố gì, ăn một cú đạp thì văng ra liền. Bản năng sinh tồn trỗi dậy, tay vơ nhanh lấy túi tiền, Tâm phi ra ngoài, nhằm thẳng hướng đông chạy thục mạng.

Đằng sau, ba gã cộng sự thấy Tâm chạy liền phóng theo bám gót. Tâm ngoái lại thì nhận ra ngay ba dáng người thân quen, chính là ba tên cộng sự, tên nào cũng dao rựa, dao mác lăm lăm trên tay.

Hiểu ngay ra vấn đề, Tâm tăng tốc chạy trối chết. Vừa là đêm tối khó thấy rõ, vừa gặp Tâm chạy quá nhanh, và cũng vì bất ngờ không hiểu sao cô biết trước mà tỉnh dậy, bỏ chạy như vậy, chỉ một lát sau ba gã kia đã bị Tâm bỏ mất dấu.

Tâm cứ thế tiếp tục chạy, được một lát, quả nhiên gặp một cái am. Cô nhanh chân leo qua hàng rào vào trong, thì thấy một sư cô đang thức, chắc là dậy sớm tụng kinh hay sao đó. Tâm nhanh chóng kể lại sự việc rồi được sư cô thương tình cho nương nhờ nên mới qua được kiếp hoạ sát thân đó !

Nhân tình thế thái thay đổi thật nhanh, mới chị chị, em em đó, chỉ vì tiền mà nỡ xuống tay giết nhau cho đành. Sau đêm đó ba tên ấy cũng bỏ trốn không bao giờ Tâm gặp lại nữa. Đến khi trời sáng, Tâm xin cáo biệt sư cô, rồi một mạch về Hà Nội.

Tâm lục tủ lấy hai cây vàng và một triệu đồng, đem đến nhà người đàn ông treo cổ chết ở Hà Giang mấy năm trước. Tâm kể lại sự tình đã xảy ra, rồi tặng số tiền vàng đó cho vợ con ông ta như một lời cảm ơn. Trước bàn thờ ông ấy, Tâm thắp nén nhang mà khấn rằng:

- Ân nghĩa duyên nợ giữa tôi với ông xem như đến đây cũng đã trọn vẹn. Tôi giúp ông, rồi ông theo tôi bảo vệ suốt mấy năm, và cứu mạng tôi. Thôi coi như huề, không ai nợ ai, ông không cần theo bảo vệ tôi nữa. Ông đừng vương vấn cõi trần này làm gì nữa, mà lo siêu thoát đi đầu thai đi.

Những tưởng ở hiền gặp lành , nhưng thói đời nào có dễ dàng vậy . Biến cố xảy đến với cô như một quy luật tất yêu của cuộc đời bắt nguồn từ chữ THAM của lòng dạ con người .

Rengggg ... renggggg ... renggggg

- Alo ! Tôi Khánh Tâm xin nghe !

Giọng lão Hiểu reo lên ở đầu dây bên kia

- Tâm ! Khánh Tâm đó hả con ? Ông Hiểu đây !

Tâm sững sờ mấy giây rồi đáp :

- Ông ạ ? Sao ông lại biết số điện thoại của con ?

Lão Hiểu cười xoà :

- Trời ơi ! Ở đây ai mà không biết thương hiệu áo dài nổi tiếng khắp Hà Nội là của cháu ta ! Còn mấy cửa hàng ở Quảng Ninh mình nè . Ta lân la dò hỏi thì biết số của con !

Tâm dè dặt đáp :

- Vâng ! Thế ông gọi con có chuyện gì không ạ ?

Lão Hiểu đáp :

- Từ khi con lên Hà Nội đến giờ cũng ngót nghét mười hai năm rồi . Sao không thấy con về thăm ông bà ?

Tâm gằn giọng đáp :

- Về đâu ? Về đâu khi nhà đã bị ông bà lấy mất ? Mấy lần giỗ bố , giỗ mẹ , con đều chỉ giám về thắp cho họ nén nhang rồi đi ngay vì chính ông bà đuổi cổ con mà . Ông quên rồi sao ?

Lão Hiểu bối rối :

- Ấy chết ! Sao con lại nói như thế ? Con nói thế là chết ta đấy , ta giữ cho con căn nhà này đợi khi con lớn sẽ trao trả lại . Chứ ta nào có tơ hào gì ? Con biết đấy , mấy chú của con không may yểu mệnh chết . Giờ chỉ còn hai thân già này thôi . Con là người thân duy nhất trong nhà mà ta tin tưởng . Con nhớ xem lúc con đói khát , ai cho con tiền đong gạo ?

Tâm cay cay sống mũi im lặng . Lão Hiểu tiếp tục tỉ tê :

- Ta gần đất xa trời rồi ! Đến cả cháu ta cũng từ mặt ta thì ta sống làm gì ? Thôi để ta chết quách cho xong !

Tiếng mụ Hoa thút thít vọng vào điện thoại

Tâm thở dài một hơi rồi bảo :

- Phận làm con nào dám trách ông bà !

Lão Hiểu gấp gáp :

- Đúng ! Đúng vậy ! Giờ ta chỉ có mình con là họ hàng máu thịt . Ta gọi điện là muốn báo cho con hai ngày nữa là đám giỗ cha con . Con thu xếp về rồi cùng ta quy tụ cho cha mẹ con về gần nhau . Có thế ta mới yên lòng mà nhắm mắt .

Tâm cúp điện thoại rồi nhanh chóng thu xếp công việc . Ngay chiều hôm sau đã có mặt tại Quảng Ninh . Vợ chồng lão Hiểu đon đả đón tiếp rồi sắp xếp cho Tâm ở tại căn phòng đầy đủ tiện nghi . Tâm mệt mỏi chìm vào giấc ngủ thì biến cố đêm đó ập tới .

Số là lão Hiểu và mụ vợ có ba thằng con trai , đều thuộc dạng phá gia chi tử . Chúng đều chết trong những cuộc ăn chơi trác táng . Lại thấy Khánh Tâm ngày càng giàu có nên đem lòng ganh ghét lắm . Đêm hôm đó sau khi đã chuốc say nàng , hai vợ chồng lão đã chuẩn bị đầy đủ văn tự có điểm chỉ dấu tay của nàng là đồng ý sang nhượng lại tất cả của cải cho vợ chồng lão

Lão Hiểu thổi mấy hơi vào cái dấu tay còn chưa ráo mực mà mụ Hoa mới mang về từ phòng, nơi Tâm đang li bì vì thuốc mê . Mụ
run run giọng bảo :

- Xong ... xong rồi .... giờ tính sao với nó ? Nó tỉnh dậy là chết đấy !

Lão Hiểu gằn giọng :

- Diệt cỏ phải diệt tận gốc ! Giết nó ! Rồi mang xác nó thả đi . Trời biết , đất biết , tôi biết , bà biết . Không ai nói ra thì có giời mà tìm . Bà xuống nhà dưới lấy cho tôi sợi thừng lên đây !

Mụ Hoa run cầm cập bảo:

- Giết ... giết ... phải giết nó thật sao ?

Lão Hiểu gắt :

- Không giết để nó cho mình rũ tù sao ? Ngu thế ? Thôi đi nhanh lên không nó tỉnh dậy là chết cả lũ !

Mụ Hoa run rẩy bước ra ngoài nhắm hướng nhà dưới cách đó hơn trăm mét mà đi . Bầu trời bỗng dưng đổ cơn mưa lớn , trên tầng không một tiếng sét vang rền như giận dữ , kèm theo đó là vài tia chớp xé toạc không gian âm u đang ầm ầm tiếng mưa mà soi rọi căn nhà . Thấp thoáng trong góc phòng , một thân ảnh nhỏ bé đã lù lù đứng đó từ lúc nào trợn trừng mắt chứng kiến hành động của vợ chồng lão.

Mụ Hoa vội vã bước ra khỏi nhà chính rồi đội mưa men theo hông nhà chạy vội xuống căn nhà dưới vốn là nơi để khu bếp núc và nhà kho chứa mấy thứ đồ lặt vặt . Mụ nhanh tay tra chìa khoá vào ổ rồi đẩy nhanh cánh cửa bước vào . Với tay bật công tắc đèn rồi run rẩy vì mấy giọt mưa đã ngấm vào da thịt .

Mụ điên cuồng lục tung trong đống máy móc lằng nhằng vốn là nơi chứa những thứ hỏng hóc của mấy sạp cá ngoài Vân Đồn mà đám làm thuê chuyển về cho vợ chồng mụ sửa chữa, nhằm tìm đoạn dây thừng cho chồng mình . Mụ và chồng đã bàn tính kĩ lưỡng là sẽ dùng nó để thắt cổ Tâm cho chết ngạt . Mụ còn nhớ như in lúc rót cho lão Hiểu cốc nước chè rồi dò hỏi :

- Sao ..... sao không lấy dao mà đâm chết nó luôn ? Dây thừng chi cho tốn sức ?

Lão Hiểu đanh mặt quát :

- Đâm nó ? Thế dễ thường nó mất tích công an không mò về đây tìm à? Rồi họ phát hiện dấu máu thì trốn đi đâu ?

Mụ Hoa tấm tắc :

- Hay ! Ông tính chí phải !

Ngừng một giây như chợt nhớ ra điều gì mụ hỏi dồn dập :

- Rồi giết nó xong xác nó tính sao ? Đem chôn ? Đem đốt ? Ông phải tính kĩ vào !

Lão Hiểu nhấp ngụm trà khinh khỉnh lên mặt :

- Thằng Hiểu này đã tính là chỉ có chuẩn xác ! Thắt cổ nó xong thì đem xác nó bọc bằng tấm lưới sắt . Quấn mấy vòng rồi đem ra biển mà thả ! Có cho tiền xác nó cũng chẳng nổi lên . Lũ cá nó rỉa thịt xương tan nát rồi cứ thế mà nằm im dưới biển , trời đất quỷ thần không hay

Mụ vỗ đùi đánh đét một tiếng :

- Hay ! Ông tính chu toàn lắm

Lúc bàn tính là vậy , nhưng khi bắt tay vào làm thì mụ run như cầy sấy . Chốc lát nữa thôi , mụ tưởng tượng hai vợ chồng mụ sẽ quấn cái dây thừng buộc trâu vào cổ rồi ra sức ghì hai đầu, thì con Tâm chỉ có chết , gia sản sẽ là của vợ chồng mụ nên mụ càng hành động mau lẹ . Mụ đang điên tiết vì sợi dây thừng mới chiều nay còn để gọn gàng trong góc này, mà giờ tìm mãi không thấy thì bất ngờ xảy ra sự lạ . Dưới tiếng mưa đang ầm ầm như trút , mụ nghe rõ ràng có ba tiếng gõ cửa và tiếng trẻ con gào khóc

- Cộc .... cộc .... cộc....

Tiếng gõ cửa đều đặn mỗi lúc một lớn dần hoà trong tiếng mưa làm mụ bất giác đứng nhỏm dậy nhìn ngó ra khoảng sân đang mịt mù vì mưa gió .

- Quái lạ ! Chắc con chim gõ kiến nào lạc vào nhà mình rồi !

Mụ tiếp tục lật tung đống đồ thì quái lạ , cuộn dây thừng mà mụ tìm nãy giờ không thấy , giờ lại nằm ngay ngắn ngay dưới chân mụ . Mụ bất giác nhặt nó lên rồi gắt :

- Con mẹ mày ! Làm bà tìm nãy giờ !

Một ánh chớp xé toạc không gian soi rọi xuống khoảng sân trước cửa làm mụ bất giác đánh rơi sợi dây thừng đang cầm trên tay xuống . Ngoài cửa , ngay sát bức tường
chỗ ngoài cổng , tiếng con Shi đang sủa lên không ngớt . Shi là giống chó Béc Giê ,cực kì thông minh và coi nhà rất giỏi. Mụ đã tốn mấy triệu bạc mua nó về rồi tốn thêm mớ tiền cho người huấn luyện nên ngoài lão Hiểu ra thì nó chỉ nghe lời mình mụ

- Húuuuuuu ... Húuuuuu ... gừ... gừ ....

Từng tràng thanh âm ngân dài rồi như tắc nghẹn trong cổ họng , mụ bực mình tính ra ngoài cổng xem sự thể ra sao . Nhưng phần thì ngại mưa lớn , phần thì trong đầu mụ có một ý nghĩ mới xuất hiện . Mụ kinh hãi lẩm bẩm trong miệng :

- Hay là có ăn trộm nhân lúc mưa gió mà lẻn vô nhà mình ? Thôi đúng rồi !

Mụ quay lại cầm chặt cái gậy gỗ trên tay , đang mon men định theo hông nhà tiến ra thì bất chợt ngọn đèn trên trần chớp tắt . Mụ điên tiết chửi rủa trong họng :

- Con mẹ nó ! Nửa đêm còn cúp điện

Một tia chớp loé lên kéo theo một tràng âm thanh rền vang trên bầu trời . Mưa càng lúc càng nặng hạt . Sau khi đảo quanh một vòng thấy mọi thứ vẫn ổn mụ mới trở lại phòng bếp đặng lấy sợi dây thừng lên nhà . Nhưng lúc mụ vừa quay lưng từ hướng ngoài cửa để chuẩn bị khép hai cánh cửa thì ánh chớp chói loà đổ ập xuống , rọi qua cánh cửa kính làm mụ giật mình . Vì trong vòng vài giây đó , rõ ràng chỉ có mình mụ nhưng lại có tới hai cái bóng .

Mụ bất giác quay ngoắt lại sau lưng rồi quát lớn :

- Đứa nào ? Đứa nào nửa đêm lẻn vào nhà tao ? Khôn hồn thì cút xéo đừng để tao bắt được

Đổi lại chỉ có tiếng sấm rền và và vài ánh chớp dọc ngang soi sáng cả khoảng sân trước biệt thự . Mụ định bụng chạy ngay lên nhà báo cho lão Hiểu thì lúc vừa quay đi , mụ lại có cảm giác có ai đó đứng nhìn mình chằm chằm . Gai ốc nổi dọc sống lưng khi một làn gió lạnh buốt xộc tận vào gan ruột , trực giác mách bảo làm mụ bất giác quay đầu lại . Thì ôi thôi ! Đập vào mắt mụ , đằng sau cái ô kính loang loáng nước mưa chính là thân ảnh xanh xao của một đứa trẻ con mới đẻ .

Đứa bé trần trùng trục ngồi xếp bằng ở đó khuôn mặt khô đét nhưng toàn thân phù thũng, ướt đẫm nước mưa . Da thịt nó căng ra theo từng nhịp thở . Hai hốc mắt sâu hoắm ộc ra hai dòng đen sì chảy ướt đẫm cổ , hoà với nước mưa làm đỏ lòm cái ô cửa kính . Mụ á khẩu , toàn thân cứng đờ . Hai mắt mở trừng trừng nhìn cái thây ma đang nhễu ra toàn máu mỡ, nhớp nháp .

Thằng bé nhè nhẹ ngẩng đầu, rồi hai chống hai cánh tay đứng lên. Hai cánh tay gầy nhẳng, lại dài quá đầu gối làm cái thân hình đang phù thũng dần dần xuyên qua cánh cửa . Miệng không ngớt thì thào thứ âm thanh khản đục, phẫn uất như vọng về từ chốn nào sâu thăm thẳm :

- Giết mẹ tao .... tao giết cả nhà mày !!!!!

Đoạn cơ thể thằng bé trương phềnh lên, áp sát mặt mụ , nơi cổ họng phát ra tiếng cười the thé .

Mụ lầm lũi tiến vào trong nhà kho rồi nhặt lấy cuộn dây thừng và thất thần trở lên nhà . Ánh đèn trên tường đã tắt ngúm , trả lại khoảng không gian đen kịt chỉ còn tiếng mưa ầm ầm dội trên mái tôn .

Lão Hiểu đi đi lại lại trong phòng mà sốt ruột lắm , giọng lão lầm bầm trong cổ họng :

- Con đĩ này làm gì mà lâu thế ?

Ánh đèn neon trên trần nhà bỗng nhiên chập choạng rồi vụt tắt, từ khoảng sân trước căn biệt thự, con chó lão hết mực cưng chiều lại bắt đầu gầm gừ những thanh âm nho nhỏ, rồi hai chân trước lại cào vào bờ tường liên tục nghe rin rít, làm lão thấy rùng mình , cuộn chặt chiếc áo khoác máng trên tường lên người, nhưng gai ốc vẫn dựng hết lên . Lão bất chợt á khẩu hai mắt lạc thần vì chỉ một giây trước thôi , khi tiếng sét đì đùng kèm theo ánh chớp soi rọi ô cửa kính. Lão chợt nhận ra hình như có ai đang đứng ở góc nhà chòng chọc nhìn lão .

Không dám ra ngoài vì sợ mụ vợ vào không gặp lão sẽ bỏ đi tìm thì lỡ dở kế hoạch , lão đưa hai tay bịt tai lại, nhưng con chó lại tru lên, mỗi lúc một ghê rợn hơn, lát sau lại sủa từng hồi liên tục, và cặp móng sắt lại tiếp tục cào vào bờ tường những tiếng rèn rẹt

Gã lại thót người thầm nghĩ , tiếng chó sủa lớn quá trong đêm khuya, tại sao mụ vợ lão không nghe thấy? Lão chờ đợi mãi mà chẳng thấy mụ lên tiếng, chứng tỏ chỉ có mình lão nghe được, một cơn gió mang theo cái lạnh lẽo tột cùng làm lão nổi gai ốc . Lão leo lên giường nằm co quắp, ôm cái gối vào lòng, mắt lom lom nhìn ra ô cửa sổ còn loang loáng đọng nước mưa .

Một lúc sau, tiếng chó bỗng im lặng, tiếng móng chân cào vào bờ tường cũng im hẳn, Lão nhè nhẹ kéo mép chăn xuống khỏi mặt để thở, nhưng tiếng chó vừa im được một lúc, thì phía phòng thờ , sát cạnh đầu giường của lão lại vang lên một tràng dài tiếng trẻ con khóc lanh lảnh :

- Oe... oe oe oe ... !!!
Lão điếng hồn lùi hẳn vào trong vách nhìn chằm chằm về bức tường giáp phòng thờ mà không dám thở mạnh . Ngọn đèn trên trần chớp tắt càng làm cho cái không gian thêm ma quái . Lão vùng dậy mở toang cánh cửa sổ để ánh đèn ngoài sân có thể chiếu vô đặng xua đi cái nỗi sợ hãi mơ hồ đang dâng lên trong lòng mình

Màn vừa kéo ra, lão hãi hùng kêu lên, và bước lùi lại mấy bước. Trên bãi cỏ xanh mượt trước mặt dưới ánh sáng của ngọn đèn cao áp , cách căn biệt thự khoảng vài chục bước chân , trơ trọi một cây Xoài đã rụng hết lá . Một đứa trẻ con đứng khom khom dưới gốc cây, đăm đăm nhìn vào cửa sổ .

Mặc dù khoảng cách khá xa, lại bị làn mưa như tát nước vào mặt che khuất . Nhưng dưới ánh sáng của ngọn đèn cao áp và ánh chớp lập loè rọi xuống . Lão cũng nhận ra ngay đó là một đứa con nít với cái dáng nhỏ bé không thể lầm lẫn được. Đứa bé cởi trần trùng trục , da dẻ một màu trắng dã thoát tục, im lìm đứng dưới gốc cây xoài đăm đăm nhìn lão .

Đứa bé ma quái đứng im lìm mấy giây rồi quay lưng khuất dạng sau đám tre trúc cạnh nhà. Lão đứng chết trân ở đó, đờ đẫn suy nghĩ, tim vẫn còn đập thình thịch, căn nhà vắng lặng lạ thường, một tiếng động nhỏ cũng làm lão cảm thấy lạnh hết sống lưng.

Đôi mắt vẫn còn cay, Lão đứng trước bồn rửa mặt, cúi xuống vặn nước , lão nhắm mắt lại vộc thật nhiều nước, rồi vã lên mặt cho tỉnh. Đang lau mặt thì lão ngạc nhiên khựng lại vì chợt ngửi thấy mùi gì hôi thối lắm . Càng về sau cái mùi đó càng nặng làm lão nhíu mày lại. Dường như có tiếng bước chân nặng nề đang tiến lại gần , lão im lặng lắng nghe thì không thấy gì nữa.

Căn nhà chìm trong im lặng mênh mông, không một tiếng động nào ngoài tiếng mưa đã bất chợt tạnh , lâu lâu chỉ còn rơi vài giọt . Lão mon men vào trong phòng ngủ , dáo dác ngó quanh tứ phía rồi giật vội cái áo lông đang máng trên tường. Nhưng như có một sức mạnh kì lạ hoặc như có ai đang ghì chặt lấy mà mãi lão vẫn không lấy xuống được . Lão dùng hết sức, kéo thật mạnh cái đinh sút luôn, làm lão ngã té.

Đang lồm cồm bò dậy thì lão á khẩu đái ướt ra quần vì sau lưng lão , cánh cửa gỗ nặng nề khẽ mở ra . Tiếng bản lề kêu lên kèn kẹt rồi một ánh chớp chói loà làm một thân ảnh đổ ập xuống . Lão kinh hãi gào toáng lên rồi quay đầu lại , trong cái không gian lúc mờ lúc tỏ vì ánh đèn nhập nhoạng đó . Mụ Hoa đứng im lìm ở đó , tóc rối bù xoã ra . Nước mưa làm tóc mụ bết lại che kín cả khuôn mặt . Trên tay mụ là sợi dây thừng cột trâu mà lão đã chuẩn bị trước đó , dấu ở căn nhà kho, sát cái bếp ở nhà dưới .

Lão định thần mấy phần rồi quát :

- Làm cái gì dưới đấy mà lâu thế ? Nhanh ! Nhanh lên không con Tâm nó tỉnh là hư bột hư đường hết !

Lão nói rồi tiến ra cánh cửa nhắm hướng phòng Tâm vội vã . Lúc lão vừa đi qua , thì làn hơi lạnh lẽo tột cùng dội vào da thịt khi lão chạm vào tay mụ, làm lão bất giác co rúm người lại . Một tiếng cười lanh lảnh, the thé cất lên trong phòng .

Lão chưa kịp định thần thì sợi dây thừng trên tay mụ đã thít chặt cổ họng lão . Dường như có một sức mạnh vô hình mà mụ nắm chặt hai đầu dây thừng rồi nhấc hẳn lão lên không, nhẹ như nhấc đứa con nít . Lão kinh hãi tột độ , cổ họng ú ớ một tràng, hai bàn tay cào lên cổ điên cuồng rồi vài giây sau buông thõng , hai mắt trợn trừng trắng dã mà chết tươi tại chỗ . Thanh âm cuối cùng lão nghe được trước khi hồn lìa khỏi xác là :

- Giết mẹ tao .... tao giết cả nhà chúng mày !!!

Sáng hôm sau Tâm tỉnh lại thấy đầu mình đau nhức lắm bèn đi tìm nước uống . Nhưng lạ thay cả căn biệt thự mà hai vợ chồng lão Hiểu bóng chim tăm cá . Hai ngày rồi công an cũng không tìm được tung tích của hai người đâu , trên bàn chỉ còn tờ giấy ghi rõ nội dung cho Tâm thừa hưởng hết gia sản cả đời gây dựng , là căn biệt thự mấy trăm mét vuông , mấy sạp cá ngoài Vân Đồn và hơn ba tỉ đồng trong sổ tiết kiệm . Trên tờ di chúc còn in hằn hai vết điểm chỉ bằng mực đỏ đã thâm lại như vết máu khô lâu ngày .

Tâm trở lại Hà Nội trong lòng bao nhiêu hoài nghi thắc mắc . Trưa hôm ấy đang chuẩn bị ra ngoài thì thấy một bà lão ăn xin đang lê lết ngoài đường . Vốn tính thiện lương , Tâm tiến lại gần rồi dúi cho bà một nắm tiền và bảo :

- Cô ơi ! Cô cầm lấy chỗ này mua gì ăn tạm nhé . Nếu có khó khăn cô cứ tìm tới tiệm áo dài lớn nhất đằng kia kìa . Tiệm áo dài Khánh Tâm nhé cô!

Người đàn bà kinh hãi trễ chiếc nón mê xuống , khuôn mặt lấm lem bụi đất . Tâm cũng thất thần một giây rồi gào lên :

- Ngân Hà ! Là chị đúng không ?

Rồi hai chị em ôm nhau khóc . Tâm đưa bà Hà về tiệm hỏi rõ nguồn cơn thì được bà Hà cho biết chồng bà nợ nần cờ bạc nên tiêu tán gia sản . Nhà cửa các thứ mất sạch , con cái phải tha phương cầu thực tận trong nam nên cực chẳng đã bà phải lê la ăn xin qua ngày .

Tâm quỳ xuống khóc lóc rồi gục vào bà Hà mà rằng :

- Chị ơi ! Em có được ngày hôm nay đều nhờ ơn trời bể của chị . Nếu chị không chê thì xin nghe theo ý em , như ngày trước em đã theo ý chị . Chị nhé !

Toàn bộ tài sản của vợ chồng lão Hiểu mà Tâm được thừa kế, cô sang tên hết cho bà Hà . Bà Hà sau đó gầy dựng lại cơ nghiệp , đón chồng con về đoàn tụ mà làm lại cuộc đời . Âu cũng là Ơn Đền Oán Trả .

Bạn bè và nhiều người xì xào ra vào lắm khi Khánh Tâm quyết định sẽ kết hôn với một chàng trai kém bà tới mười lăm tuổi . Bỏ mặc những lời dèm pha , hôn lễ vẫn được tổ chức rộn ràng . Đêm tân hôn , lúc Tâm đang thiu thiu ngủ vì mấy ngày bận rộn tiếp khách khứa các nơi đến chúc mừng . Trong giấc mơ chập chờn đó , Tâm lại thấy hình ảnh thằng Minh con trai mình. Nó kéo tay Tâm với giọng nói rất khẩn khoản :

- Mẹ Tâm ơi... chạy... chạy đi !

Và hồn ma của người đàn ông thắt cổ năm nào cũng vừa xuất hiện thì thầm bên tai cô.

Bên ngoài .... tiếng chân gã chồng mới cưới đang chầm chậm tiến sát cửa phòng .

Hết .

Tác Giả: Mạnh Ninh

About Author

HAPPY8 BLOG
HAPPY8 BLOG

Yêu thích fun88,hl8,v9bet,fb88 và nhiều trang game khác nữa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe Now

Distributed by Blog Templates